Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, Việt Nam về sớm hơn 10 năm so với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên Hiệp Quốc đề ra.
Còn nhiều thách thức
TP HCM là địa phương đi đầu trong việc đề xuất phong trào xóa đói giảm nghèo với nhiều giải pháp và đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo hằng năm và giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, ở nhiều quận, huyện trên địa bàn vẫn còn tồn tại vấn đề các khu dân cư nghèo tự phát hoặc khu nhà lụp xụp, đặc biệt là ven các kênh, rạch hoặc tại các khu đất còn gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch, quản lý. Đa số người dân sống ở những khu vực trên là lao động có thu nhập thấp, hầu như chỉ trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước để tạo lập chỗ ở mới.
Việc gia tăng các khu nhà ở không quy hoạch này là hiện tượng chung ở hầu hết các nước đang phát triển nói chung và TP HCM nói riêng.
Các khu vực khó khăn trên địa bàn TP HCM không tập trung, mà dàn trải rải rác nhưng nhiều nhất là ở các quận, huyện như 12, Bình Chánh, Bình Tân và TP Thủ Đức… Tình trạng nhà ở tạm bợ xảy ra phổ biến hơn với nhóm dân là người nhập cư từ nơi khác đến.
Do lấn chiếm đất bất hợp pháp nên nhà ở tại đây đa số tình trạng pháp lý không rõ ràng, mang tính chất tạm bợ, chắp vá. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác như không có hệ thống thoát nước và dịch vụ thu gom rác, tất cả rác sinh hoạt đều thải bỏ ngay nơi họ đang sống hoặc xả thải trực tiếp xuống kênh rạch.
Hạ tầng cơ sở đô thị (đường sá, hệ thống cống rãnh, điện, nước) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của quy mô dân số ngày càng tăng.
Điều kiện sống này khiến người dân phải đối mặt với nhiều nguy cơ về bệnh tật, các vấn đề xã hội cũng như vướng phải các thủ tục pháp lý khác (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà…).
Một số khuyến nghị
Hướng đến mục tiêu phát triển vì con người, TP HCM cần hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội theo hướng quan tâm cả đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân kịp thời khắc phục khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác.
Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách an sinh xã hội như vốn vay ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm…; đồng thời, cần xác định những vấn đề nào tập trung giải quyết trước, đáp ứng các mục tiêu cấp thiết của xã hội.
Tiếp tục khuyến khích nhiều cách làm hay, mô hình nhân văn đã được triển khai một cách sáng tạo như tín dụng chính sách xã hội, tạo sinh kế, thêm việc làm… để kịp thời hỗ trợ người dân.
Giải pháp có tính đột phá, quan trọng, cần ưu tiên là ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn (2%/năm) đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo phát sinh lãi suất.
Đồng thời, đề xuất ban hành chính sách đặc thù về hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên diện hưởng chính sách người có công từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo để phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Trong chính sách xóa đói giảm nghèo, cần xem xét từng nhóm nghèo với sự khác biệt về đặc điểm nhân khẩu học, kinh tế - xã hội và địa lý do những đặc điểm này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của chính sách và tình trạng tái nghèo của các hộ nghèo.
Đặc biệt, đẩy mạnh các chính sách về nhà ở. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ nhà trọ trong việc vay vốn từ ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa khu nhà trọ, phòng trọ hoặc xây dựng mới nhà ở cho công nhân và người lao động thuê để ở.
Cần có các chính sách ưu đãi để công nhân có điều kiện sống trong những căn nhà thuê trọ tươm tất, sạch sẽ, an toàn vệ sinh, tiền thuê nhà không quá 30% tổng thu nhập.
Đồng thời, tăng cường vận động chủ nhà trọ thực hiện thu giá điện, nước đúng quy định, bình ổn giá thuê hoặc giảm giá thuê phòng cho người lao động.
Xây dựng "chính sách tiếp cận nhà ở xã hội" hợp lý hơn chứ không chỉ tập trung "xây dựng nhà ở xã hội" như trước đó.
Hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội có bao cấp một phần thông qua miễn giảm các loại thuế phí, cho vay ưu đãi nhằm bảo đảm có nhà ở cho công nhân, cán bộ - công nhân viên chức, quân nhân lực lượng vũ trang và người lao động. Số nhân lực này rất lớn, cần có một quỹ nhà ở xã hội lớn và gia tăng theo thời gian.
Riêng đối với khu vực khó khăn, nơi có nhiều người nhập cư, người lao động thu nhập thấp, nên hướng đến việc cho thuê nhà ở xã hội với giá hợp túi tiền người lao động, người nghèo.
Ngoài ra, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chung áp dụng cho các chung cư mini, các "hộp ngủ" để được tồn tại chính danh nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như việc kiểm soát được chặt chẽ, không phát sinh tiêu cực.
Xây dựng mạng lưới nhà trẻ, mẫu giáo
Mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất cần có ít nhất 1 nhà trẻ với mức đầu tư vừa phải nhằm giải quyết gánh nặng cho người lao động trong việc chăm sóc con nhỏ; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách xã hội dành cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, để hỗ trợ họ trong việc chăm sóc gia đình, bản thân; đồng thời có thời gian tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Thường xuyên rà soát, đánh giá, kiểm tra và chỉnh sửa bổ sung kịp thời để các chính sách ban hành phù hợp và đáp ứng đúng mục tiêu, nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Bình luận (0)