TP HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó ưu tiên bố trí hạ tầng xanh, xác định các khu đất và không gian cho cây xanh, công viên có lồng ghép phát triển kinh tế xanh, đô thị sinh thái, khu công nghiệp, khu nghiên cứu khoa học, khu công nghệ cao, khu văn phòng, khu thương mại, nhà ở và các khu vực chức năng khác được trang trí cảnh quan, tiện ích...
Giữ gìn và tạo thêm mảng xanh
Muốn vậy, thiết kế đô thị cần lấy tiêu chí mảng xanh làm chủ đạo, căn cứ nhu cầu cư dân. Sắp xếp hợp lý khoảng cách giữa các vùng đất cây xanh tương ứng với dân số, nhà ở, dịch vụ, du lịch, thương mại trong phạm vi sinh hoạt tận hưởng được lợi ích mảng xanh mang đến. Đưa phát triển mảng xanh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo hướng đổi mới sáng tạo cải thiện môi trường, cảnh quan xanh trong sản xuất, chế tạo.
Quy hoạch sử dụng đất có tăng cường trồng cây, mảng xanh trong các dự án. Xây dựng có phân bố công viên, không gian xanh với công trình công cộng sao cho phần lớn cư dân dễ dàng tiếp cận. Khu dân cư cũng phải có công viên, vườn hoa.
Có thể quy định xung quanh các trục đường lớn và khu vực dân cư sinh sống phải được ngăn cách bởi công viên hoặc những dải cây xanh được xem là "vành đai xanh".
Giữ gìn mảng xanh hiện hữu, trong đó có các loại cổ thụ bằng cách đưa vào danh sách di sản bảo tồn theo giá trị lịch sử, thực vật và văn hóa xã hội. Trang trí dây leo và hoa kiểng trên các kết cấu cầu vượt sẽ che bớt sự thô cứng những khối bê-tông cốt thép vừa thêm thẩm mỹ không gian công cộng.
Mỗi cơ quan, đơn vị phải có giải pháp phát triển mảng xanh, trồng cây bảo vệ môi trường tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Xây nhà ở bắt buộc có mảng xanh lân cận hoặc trên sân thượng, mái hiên, bờ tường ngoài trời… Thiết kế cảnh quan đô thị hài hòa với thiên nhiên, tăng cường mảng xanh trong các khu dân cư, khu đô thị. Nếu mỗi công sở, nhà dân tạo một góc mảng xanh sẽ góp phần phủ kín sắc xanh cho thành phố.
Sở Xây dựng cùng quận, huyện, TP Thủ Đức có ít nhất một vườn ươm đạt chuẩn để nhân giống, cung cấp các loại cây trồng phù hợp cho TP HCM. Đồng thời, phổ biến cách thức trồng và chăm sóc cây xanh, nâng cao tâm lý yêu thích cây xanh.
Hiện thực hóa hạ tầng xanh
Cần rà soát các dự án, quy hoạch chưa thực hiện mảng xanh để điều chỉnh phù hợp, xác định thời gian hoàn thành, gắn trách nhiệm cá nhân.
Phân loại với hình thức xã hội hóa có thể bổ sung mục tiêu đa chức năng, nhà đầu tư tham gia sẽ đảm nhận luôn hạng mục công viên, cây xanh và khai thác thu hồi vốn có lợi nhuận như kinh doanh một phần bất động sản nhà ở thương mại, trung tâm thể dục thể thao, nhà hàng, rạp chiếu phim...
Đây xem như phần tạo lực, vừa phục vụ cộng đồng và dự án mà nhà đầu tư thực hiện được tính toán bù đắp chi phí từ việc đầu tư, khai thác.
Theo đó, bên cạnh bố trí một phần vốn mồi bằng đầu tư công, xã hội hóa thu hút nguồn vốn tư nhân, như công viên bị "treo" đã lâu chưa thực hiện, có thể điều chỉnh lồng ghép với các dịch vụ kinh doanh để khai thác thu hồi vốn.
Mô hình làm công viên, mảng xanh có thêm trung tâm thể dục thể thao, khu tổ chức sự kiện, nhà ở với mức độ phù hợp. Có thể áp dụng cho những dự án, quy hoạch công viên Gò Cát rộng 13 ha (quận Bình Tân), lâm viên sinh thái rộng 128 ha (TP Thủ Đức), công viên cây xanh Thạnh Xuân rộng 150 ha (quận 12), công viên Sài Gòn Safari rộng 485 ha (Củ Chi)…
Tùy trường hợp cụ thể mà có cách làm phù hợp tạo những công viên, trồng cây tạo cảnh quan xanh.
Với hai bên sông Sài Gòn có hành lang bảo vệ mỗi bên rộng từ 30 - 50 m, nhiều khu đất công khá lớn để làm công viên sinh thái, công viên thủy lực, thảm thực vật, bổ sung nước ngầm, chống sạt lở và xói mòn đất, dẫn dòng chảy tự nhiên thoát nước mưa chống ngập.
Cách làm này vừa giải quyết các tồn tại cho đô thị, cải tạo môi trường vừa mở rộng không gian xanh phục vụ cộng đồng, khai thác bờ sông thu hút du lịch, phát triển văn hóa, kinh tế.
Ứng dụng các công nghệ tiên tiến
Để xây dựng đô thị xanh cần có các quy định chặt chẽ về bảo vệ mảng xanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải, rác thải; sử dụng năng lượng tái tạo cho hệ thống chiếu sáng công cộng, các công trình công cộng; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh.
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng hạ tầng xanh. Phát động các phong trào trồng cây xanh, thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ cộng đồng trong việc xây dựng và quản lý các khu vườn cộng đồng, các mô hình tái chế rác thải.
Bình luận (0)