Trong khi nhiều địa phương có cải thiện về thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 thì TP HCM vẫn duy trì vị trí thứ 27. Cũng trong năm 2023, TP HCM đạt 86,97 điểm cải cách hành chính, chỉ xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố.
Cải cách để duy trì vị thế
Đứng trước vấn đề phải định vị trong nước cũng như trong khu vực, TP HCM phải có chiến lược phát triển kinh tế dựa trên những thế mạnh như khu vực kinh tế tư nhân, đô thị, tài chính, môi trường sống, môi trường văn hóa - xã hội...
Trong thời gian qua, TP HCM luôn cố gắng nỗ lực để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành. Nhiều mô hình cải cách hành chính của thành phố được đánh giá cao và được nhân rộng. TP HCM đang thực hiện chương trình chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số.
Dù vậy, thành phố vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp; chưa thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa.
Mô hình phát triển của các khu công nghiệp chậm được đổi mới, chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, hạ tầng phục vụ khu công nghiệp thiếu đồng bộ. Đó còn là những ràng buộc về thể chế, đặc biệt là vấn đề tài chính - ngân sách.
Chưa kể, TP HCM phải bảo đảm thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng để phát huy vai trò trung tâm trong vùng Đông - Tây Nam Bộ.
Phát huy nội lực
Nhằm giữ vững vị thế đầu tàu trong nước và thu hẹp khoảng cách so với khu vực, TP HCM cần khai thác hiệu quả dư địa cải cách cơ chế, chính sách. Cần nắm bắt những động cơ mới đang định hình rõ nét gồm: doanh nghiệp tư nhân, đô thị hóa, trung tâm tài chính, dịch vụ như y tế, giáo dục...
Nguồn lực của TP HCM không đến từ ngân sách mà từ bản thân nội tại đặc thù của thành phố. Chiến lược phát triển kinh tế tập trung vào những ngành trọng tâm như lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ logistics, thương mại, giáo dục, y tế...
Muốn thu hút nhà đầu tư, TP HCM cần cho nhà đầu tư thấy những dư địa phát triển như tiềm năng đầu tư nhiều lĩnh vực, mạng lưới cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách...; đồng thời, phải bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh.
Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực cần bám sát và tập trung vào các ngành mũi nhọn, từ đó xác định những kỹ năng, chuyên môn phục vụ tốt nhất cho các ngành này.
Hơn thế nữa, cơ chế chính sách trong phối hợp giữa chính quyền địa phương với các trường đại học, định hướng đầu vào - đầu ra phục vụ cho kinh tế là rất quan trọng, cần ở thế chủ động và đi trước.
Đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy trong từng nội bộ cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để thống nhất nội dung xây dựng các mô hình mới trong tổ chức bộ máy để bảo đảm mô hình chính quyền đô thị của thành phố hoạt động hiệu quả.
Hướng đến xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh, chính quyền điện tử gần dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.
Đề ra giải pháp tự hoàn thiện để có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Đưa thành phố trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Để cải thiện PCI, TP HCM cần tập trung đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.
Bình luận (0)