Biết đời sống nhà giáo còn khó khăn nhưng nghe ưu đãi lại vẫn thấy trong lòng còn gút mắc. Thế mới… lạ!
Ai cũng từng đến trường, cũng từng được thầy cô dìu dắt. Ngày trước, ai cũng thấy đời sống giáo viên luôn vất vả nhưng các thầy cô vẫn tận tụy với nghề, đến độ có người lo cho con mình không bằng lo cho học trò.
Cũng nhiều năm qua, các chính sách giáo dục dần thay đổi. Nhất là khoảng 10 năm trở lại, nhiều chính sách đột phá làm thay đổi toàn bộ nền giáo dục, trọng tâm là nâng chất lượng đời sống giáo viên để họ có thể an tâm trên bục giảng. Đột phá gần nhất chính là cải cách tiền lương cho giáo viên, gián tiếp qua đó nâng chất lượng dạy học. Có thể nói thu nhập của giáo viên hiện khá ổn. Nhưng ổn như thế không có nghĩa là đội ngũ giáo viên đã ở tầng nấc khác trong thang thu nhập xã hội. Những khó khăn về chăm lo cho gia đình, đầu tư cho con cái, tích lũy cho tương lai… vẫn còn nguyên nên ưu đãi cho con giáo viên trong thời điểm hiện nay cũng không thể xem như một cú sốc trong xã hội.
Hãy đặt đề xuất trên trong bối cảnh chung của toàn bộ chính sách giáo dục mà chúng ta đã, đang và tiếp tục thực hiện: Nâng chất lượng giáo dục, cải cách chương trình học; tiếp tục miễn và giảm học phí; tạo nguồn tài chính hỗ trợ học tập; thu hút và đào tạo đội ngũ giáo viên vốn đang thiếu trầm trọng… Trong bức tranh chung này thì dự toán miễn học phí cho con giáo viên toàn quốc khoảng 9.200 tỉ đồng không lớn.
Có lẽ nhiều người có cảm giác ưu tiên cho nhà giáo như đề xuất trên là khu biệt lợi ích, là mất công bằng xã hội vì còn nhiều ngành nghề khác, nhiều đối tượng khác cũng rất khó khăn. Nhưng cũng lưu ý rằng theo quy định hiện hành, có đến 15 đối tượng được miễn học phí như: Toàn bộ học sinh tiểu học; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; con em gia đình chính sách…
Miễn học phí cho học sinh là bước đi trong quá trình cải cách giáo dục khi điều kiện kinh tế quốc gia cho phép. Như các quốc gia phát triển, có nguồn ngân sách ổn định, đơn cử là Thụy Điển, Đức, Phần Lan… đã thực hiện miễn học phí đến hết bậc phổ thông. Ngay cả Ấn Độ và Trung Quốc - 2 quốc gia đông dân nhất thế giới - cũng hướng đến mục tiêu này.
Việt Nam trong quá trình phát triển cũng không ngoại lệ nhưng cần thời gian và sự thay đổi nhanh nhạy khi ban hành chính sách. Không chỉ con giáo viên mà mục tiêu hướng tới là tất cả học sinh trong hệ thống trường công lập. Giáo dục phổ thông là một phúc lợi xã hội cơ bản, nói lên quyền được học hành của con người. Quyền này rất quan trọng với mọi quốc gia vì nó bảo đảm các thế hệ công dân có cơ hội phát triển toàn diện.
Bình luận (0)