Tại một hội thảo về tiếp thị số (TTS) mới đây ở TP HCM, các chuyên gia cho biết có đến 90% doanh nghiệp (DN) kinh doanh trên internet thất bại ngay trong năm đầu tiên hoạt động và còn tiếp tục tăng dần trong những năm tiếp theo. Không phải DN nào cũng thật sự hiểu và áp dụng hiệu quả các công cụ TTS vào chiến lược phát triển kinh doanh. Nhiều chuyên gia cũng nhận định các nhà làm marketing Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho những chiến dịch quảng cáo qua tiếp thị di động và những giải pháp sáng tạo vẫn còn yếu.
Những rào cản
Hiện nay, các công cụ TTS không ngừng gia tăng về số lượng, khả năng tiếp cận đúng đối tượng khách hàng còn thấp và việc đo lường hiệu quả chỉ dừng lại ở những con số bề nổi… đã khiến DN trong nước còn ngại sử dụng TTS.
Bà Thi Anh Đào - Giám đốc điều hành Công ty Emerald Consulting, một đơn vị tư vấn về TTS - cho biết: “Thị trường TTS tại Việt Nam hiện đã “chín” hơn nhiều so với cách đây 5 năm. Tuy nhiên, sự tiếp cận và đầu tư của các nhãn hàng vào TTS chưa có sự đồng đều, có những nhãn hàng đầu tư nhiều vào TTS nhưng có nhãn hàng lại xem TTS chỉ là kênh truyền thông và vẫn trong giai đoạn tìm hiểu, khai phá”.
Cũng theo bà Đào, DN gặp khó khăn khi triển khai các dự án TTS cho khách hàng do sự thay đổi liên tục của các kênh truyền thông TTS. “Chúng tôi phải luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ khách hàng mà còn từ khách hàng của họ; luôn cập nhật những thay đổi mới của khách hàng để giữa đại lý và khách hàng có tiếng nói chung; công việc sáng tạo nội dung cho các kênh TTS luôn có yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với các kênh truyền thống do sự khác biệt về tâm lý và hành vi của khách hàng khi tiếp cận các kênh này” - bà Đào cho biết.
Theo bà Trương Tố Linh, nhà đồng sáng lập Memua.com, khó khăn mà DN thường gặp khi thực hiện TTS là xác định được nguồn ngân sách sao cho phù hợp với từng hoạt động TTS. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm TTS chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện rất ít ỏi.
Ông Dhawan Tarun Shrikumar, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Riverorchid Notch Việt Nam, nhận định: “Đội ngũ marketing của các nhãn hàng hiện nay chưa hiểu hết về truyền thông số. Chúng tôi phải mở những lớp học miễn phí nhằm tạo cảm hứng về truyền thông số ngay tại công ty của khách hàng mà chúng tôi tiếp cận. Qua đó đưa ra những kiến thức nhập môn về truyền thông số để khách hàng hiểu từng bước”.
Cần đầu tư chuyên nghiệp
Tuy nhiên, theo các nhà làm marketing, do những lợi ích không thể phủ nhận mà TTS ngày càng trở thành một kênh truyền thông được DN quan tâm. Đó là khả năng đo lường của TTS chính xác hơn các kênh truyền thống, khả năng tiếp cận người dùng với chi phí hiệu quả; khả năng kết nối về trải nghiệm một cách liên tục giữa các kênh trực tuyến và kênh truyền thống; cơ hội tương tác với người dùng bằng các nội dung sáng tạo tốt hơn.
Ngoài ra, so với những phương thức tiếp thị truyền thống như tiếp thị trên báo in, truyền hình… thì TTS sẽ giúp nhà kinh doanh kiểm soát được chiến dịch kinh doanh hiệu quả hơn, có được những số liệu tiếp thị cụ thể. Các nhà kinh doanh còn có thể thực hiện được chiến dịch tiếp thị với mọi chi phí mình có, từ thấp nhất đến cao nhất trong khi với các phương thức tiếp thị truyền thống thì chi phí cố định và cao.
“Để triển khai TTS hiệu quả cho khách hàng, các DN làm TTS cần đầu tư đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và các nội dung sáng tạo phù hợp với đặc tính của từng kênh truyền thông TTS, có sức hút về tâm lý và hành vi đối với đối tượng mục tiêu. Cần quan tâm và định hướng cùng khách hàng để có một hướng tiếp cận mang tính chiến lược giúp khách hàng đạt được mục tiêu chứ không chỉ tiếp cận những công cụ và kênh đơn lẻ theo xu thế” - bà Thi Anh Đào nói.
Ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook Việt Nam, cho biết: “Facebook đã cho ra đời công cụ Custom Audiences. Công cụ này giúp các DN nhắm đến khách hàng mục tiêu trên Facebook dựa trên các dữ liệu có sẵn mà họ sở hữu. Với công cụ này, DN có thể tạo danh sách Custom Audiences bằng cách nhập một danh sách các địa chỉ thông tin liên lạc (email, điện thoại, ID người dùng). Ngoài ra, DN còn có thể tận dụng các hành động của người truy cập trên trang web của DN hoặc ứng dụng di động để triển khai TTS”.
Sẽ tăng trưởng nóng
Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo, quảng cáo trực tuyến sẽ là lĩnh vực tăng trưởng nóng nhất trong toàn bộ ngành quảng cáo Việt Nam, lên tới 28%/năm. Đến năm 2020, tổng giá trị thị trường này sẽ là 340 triệu USD. Trong năm 2013, doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng hơn 100 triệu USD thì đến năm 2018, con số này sẽ tăng lên gần 4 lần. Theo các hãng nghiên cứu thị trường như VIA, Nielsen... chi phí quảng cáo qua internet tại Việt Nam đang gia tăng mau chóng, từ 3% (năm 2010), lên 5% (2011), 9% (2012), gần 14,5% (2013) và dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới.
Bình luận (0)