Hai hãng công nghệ lớn nhất thế giới là Apple tại WWDC và Google tại Google I/O vừa công bố những nâng cấp mới cho các nền tảng di động của họ là Android và iOS. Giữa hàng loạt tính năng mới, một chủ đề nổi lên rất rõ ràng: Họ muốn cải thiện trải nghiệm của người dùng xuyên suốt giữa nhiều nền tảng thiết bị khác nhau. Điều này có nghĩa là người dùng có thể trung chuyển hoạt động giữa smartphone, tablet, máy tính cá nhân và cả các thiết bị đeo trên người như đồng hồ thông minh smartwatch.
Làm thế nào để đồng nhất?
Xu hướng này hứa hẹn một tương lai mà các thiết bị công nghệ có thể trở nên gần gũi với cuộc sống của bạn hơn bao giờ hết. Điều này cũng có nghĩa là các hãng công nghệ sẽ phải tự tạo ra một “hệ sinh thái” riêng biệt, vừa để bảo đảm chất lượng của tính “đồng nhất” vừa để khóa người dùng chỉ vào sử dụng các dịch vụ mà họ cung cấp. Không hề có dự định “chơi chung” với nhau, các hãng này sẽ cạnh tranh để giành vị trí trung tâm trong cuộc sống công nghệ cao của bạn.
Kể từ khi smartphone và tablet phổ biến, một vấn đề mới nổi lên: Làm thế nào để đồng nhất trải nghiệm trên tất cả thiết bị? Việc trung chuyển file dữ liệu, tin nhắn, email, hình chụp... giữa các thiết bị di động và máy tính thường khá vụng về, phải trải qua nhiều bước thao tác rắc rối.
Tương tự việc giải trí, bạn không thể thưởng thức một bộ phim trên máy tính, sau đó ngừng và tiếp tục theo dõi cùng bộ phim đó trên thiết bị di động. Có cảm giác di động và máy tính vẫn là các thiết bị độc lập với nhau. Tuy nhiên, với đà phát triển của công nghệ, vấn đề này sẽ được giải quyết.
Bước đột phá lớn nhất để giải quyết vấn đề trên đã diễn ra, khi cả Apple lẫn Google đều tung ra các nâng cấp mới. Android L, iOS 8 đều được thiết kế để hợp nhất trải nghiệm cho hệ điều hành di động của họ với máy tính cá nhân. Đặc biệt, các tính năng thông báo Notification có vai trò quan trọng trong hoạt động hằng ngày của người dùng, nay sẽ được hiển thị trên cả màn hình máy tính khi bạn không tiện nhìn vào smartphone hay tablet.
Hơn nữa, với sự xuất hiện của những nền tảng thiết bị đeo trên người như Android Wear, sự đồng nhất này lan ra cả các sản phẩm như đồng hồ thông minh smartwatch. Cũng đừng quên những sản phẩm khác như TV thông minh hay thậm chí là các giao diện trên xe hơi. Đó thực sự chỉ là một phần nổi của những gì mà ngành công nghệ tương lai có thể đem tới.
Những “hệ sinh thái” kín cổng cao tường
Tuy nhiên, để có thể tạo ra một trải nghiệm đồng nhất giữa các thiết bị, các hãng công nghệ phải dựa vào một “hệ sinh thái công nghệ” của riêng họ. “Hệ sinh thái” này phải bao gồm các nền tảng hệ điều hành do chính họ thiết kế, với các công nghệ, công cụ được quản lý chặt chẽ. Bởi lẽ, các thiết bị không thể “chơi chung” với nhau nếu không có cùng một “ngôn ngữ” liên lạc.
Với Apple, “hệ sinh thái” của họ sẽ sử dụng iPhone là nền tảng trung tâm, chỉ tương tác với các máy tính Mac vận hành OS X, điều khiển các thiết bị gia dụng thông qua nền tảng HomeKit, liên lạc với đầu giải trí Apple TV, kết hợp với nền tảng dành cho xe hơi CarPlay và sắp tới sẽ là một smartwatch với hệ thống theo dõi sức khỏe HealthKit.
Trong khi đó, nếu người dùng muốn tận dụng các dịch vụ của Google, họ sẽ phải sở hữu một smartphone hay tablet Android, với một đồng hồ thông minh smartwatch Android Wear bên cạnh, song song với một TV được trang bị hệ điều hành Android TV, một xe hơi với Android Auto, thêm cả một máy tính vận hành Chrome OS và trình duyệt Chrome cho hoàn chỉnh. Nhìn thoáng qua, “hệ sinh thái” của Apple trông có vẻ mạnh mẽ hơn về tính năng nhưng Google lại có những dịch vụ vượt trội hơn, các thiết bị đa dạng hơn về chất lượng và giá cả.
Thật đáng tiếc, cả 2 hãng công nghệ này đều không hề có ý định giúp các “hệ sinh thái” hỗ trợ lẫn nhau, dù đôi khi các dịch vụ và tính năng của các nền tảng Android và iOS tương tác với nhau. Ví dụ, khi muốn sử dụng dịch vụ tìm kiếm của Google trên iOS hay Mac OS X, Google vẫn cho phép người dùng iOS và Mac OS X sử dụng các dịch vụ của họ, cộng với việc đồng nhất thông báo thông qua trình duyệt Google Chrome. Tuy nhiên, sự kết hợp này không thể bằng được tính đồng nhất mà người dùng đòi hỏi. Điều này cũng dễ hiểu, bởi mỗi “hệ sinh thái” như thế có các dịch vụ và tính năng cạnh tranh với nhau. Chúng là các “cần câu cơm”, là sự cạnh tranh của chính Apple và Google.
Dĩ nhiên, điều tốt hơn cả là sự hợp tác hoàn hảo giữa nhiều nền tảng, hệ điều hành, thiết bị khác nhau nhưng đây chỉ là chuyện viễn tưởng. Cuộc cạnh tranh giữa các “hệ sinh thái” công nghệ đã diễn ra từ lâu và chính người dùng nắm giữ vai trò chủ chốt để quyết định sự thành bại của các “hệ sinh thái” này.
Công nghệ gần gũi với cuộc sống
Công nghệ sẽ tiếp tục làm thay đổi cuộc sống của bạn. Ví dụ, trong tương lai, bạn có thể tìm hiểu một công thức nấu ăn trên máy tính. Smartphone sẽ tự lập ra danh sách nguyên liệu cần mua, trong khi bạn ra lệnh cho smartwatch của mình lập bản đồ mua sắm. Nhảy vào ô tô, bản đồ này sẽ lại tự động hiện lên màn hình trong xe, hướng dẫn bạn đi đến những nơi bán các nguyên liệu. Sau khi mua nguyên vật liệu, với smartphone trong tay, công thức nấu ăn sẽ lại hiện lên màn hình máy tính bảng của bạn để sẵn trong nhà bếp...
Bình luận (0)