Chơi video game với thời lượng vừa phải có thể giúp trẻ tăng khả năng nhận thức và kiểm soát tốt hành vi, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha tại Bệnh viện Hospital del Mar ở TP Barcelona, mới được công bố trên tạp chí Annals of Neurology.
Chơi game từ 9-10 giờ/tuần dễ khiến trẻ có những rắc rối về cách hành xử. Ảnh minh họa internet
Trưởng nhóm nghiên cứu Jesus Pujol khẳng định: “Về bản chất, chơi game không tốt hay xấu nhưng phải tùy mức độ chơi”. TS Pujol và cộng sự đã khảo sát mối quan hệ giữa việc chơi game với các đặc trưng về khả năng nhận thức và những rắc rối trong cách hành xử của 2.442 trẻ em trong độ tuổi từ 7-11. Nhóm nghiên cứu phát hiện việc chơi game bình quân khoảng 1 giờ/tuần có thể giúp trẻ có kỹ năng vận động tốt hơn cũng như giúp nâng cao thành tích học tập. Ngược lại, chơi từ 9-10 giờ/tuần dễ khiến trẻ có những rắc rối về cách hành xử như: dễ xung đột, giảm khả năng giao tiếp...
Hơn nữa, khi các nhà khoa học quan sát hình ảnh quét cộng hưởng từ một nhóm trẻ nói trên, họ nhận thấy việc chơi game có liên quan với thay đổi chất trắng ở hạch nền (basal ganglia) cũng như thay đổi về kết nối chức năng trong não. TS Pujol khẳng định: “Chơi game có thể giúp tuần hoàn não tốt hơn và có lợi cho việc học với những kỹ năng mới thông qua thực hành”. Nhóm nghiên cứu giải thích rằng thông thường, trẻ em đạt được kỹ năng vận động thông qua thực tập và hành động như khi các em chơi thể thao hoặc hoạt động ngoại khóa. Những nghiên cứu nói trên nêu khả năng môi trường thực tập ảo ở game cũng có thể tác động điều chỉnh hệ vận động ở não, giúp trẻ có thể học các kỹ năng vận động. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khuyến cáo không nên để trẻ chơi video game nhiều hơn 2 giờ/tuần.
Trước đó, một khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại Học viện Y tế công Columbia Mailman ở TP New York cũng nêu khả năng tác động tích cực của video game lên nhận thức và hành vi của trẻ em từ 6-11 tuổi. Trắc nghiệm cho thấy việc chơi video game ở mức độ vừa phải làm tăng sự nhạy bén, thành tích học tập ở trường và ít gặp rắc rối với bạn cùng trang lứa.
Bình luận (0)