Trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã dành cho phóng viên Báo Người Lao Động cuộc trao đổi về kỷ nguyên mới của ngành nông nghiệp, trong đó có nhiều nội dung liên quan chiến lược chuyển đổi tư duy để nâng cao giá trị sản xuất.
Phóng viên: Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt con số ấn tượng 62,5 tỉ USD. Bộ trưởng nhìn nhận gì về thành quả này?
- Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN: Để có được những con số này, đầu tiên tôi muốn bày tỏ sự trân quý đối với công sức nông dân, nhất là những hộ chịu ảnh hưởng bởi bão số 3.
Kinh nghiệm thu được trong năm vừa qua là sự năng động của các địa phương và nông dân trong việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ quan niệm phải sản xuất nhiều hơn sang tư duy vừa sản xuất vừa áp dụng xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong năm qua, nhiều hội chợ kết nối giao thương từ các tỉnh như Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương... đến các vùng như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... đã được tổ chức, tất cả đều năng động và chủ động.
Thị trường hiện rất đa dạng, mỗi thị trường có tiêu chuẩn, quy chuẩn và giá trị riêng với những hàng rào kỹ thuật. Thông tin từ Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao hay Bộ Công Thương, các cơ quan, tổ chức liên quan đã cố gắng chuyển đến các địa phương, đến tận nông dân một cách nhanh nhất. Xuất khẩu cho thị trường Mỹ khác với xuất khẩu sang Nhật Bản. Thậm chí để bán được sản phẩm, chúng ta phải tìm hiểu về văn hóa, thị hiếu của từng khu vực.
Tất nhiên, ngành nông nghiệp nước ta còn nhiều việc cần giải quyết nhưng rõ ràng, tư duy sản xuất theo thị trường đã từng bước được hình thành. Đây không còn đơn giản là chuyện sản xuất, mua bán mà là sự định hình thói quen sản xuất theo tín hiệu thị trường. Nghĩa là, chúng ta bán thứ thị trường cần chứ không phải thứ mà chúng ta có. Phải biến sản phẩm - là thứ chúng ta làm được - trở thành thương phẩm.
Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỉ USD là thành quả của một hệ sinh thái gắn liền giữa các bộ, ngành trung ương với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng và người dân. Chính điều này đã giúp chúng ta vừa phát triển thị trường cũ vừa mở ra những thị trường mới để tránh rủi ro ở bất cứ thị trường nào.
Thưa Bộ trưởng, dù con số đạt được là kỷ lục nhưng nông nghiệp Việt Nam còn có thể thu thêm nhiều tỉ USD?
- Chúng ta có thể vui mừng vì năm vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, góp phần tăng dần tỉ trọng sản phẩm chế biến - thứ luôn có giá trị gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Có thể thấy giá trị đa tầng của nông sản là mênh mông. Đây là câu chuyện nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái xanh, tạo ra nhiều dòng sản phẩm.
Để duy trì, phát triển hơn nữa những kết quả đã đạt được, giúp nông dân bảo đảm cuộc sống vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu lạc quan nếu chúng ta biết cách khai thác tốt hơn những giá trị hiện có. Chúng ta còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác triệt để. Nông nghiệp tuần hoàn nhưng giá trị tuần hoàn mới chỉ sơ khai, bán thô hạt gạo. Bên cạnh hạt gạo còn có trấu, rơm… có thể trồng nấm, làm viên nén, chế phẩm sinh học.
Nhân đây, tôi mong mỏi rằng chúng ta đừng nhìn vào giá trị của một nông sản cụ thể, bởi đó là tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Ví dụ, ở ngành hàng cà phê, lâu nay người dân chỉ quan tâm bán hạt cà phê và thứ nước pha từ hạt cà phê, vốn chỉ chiếm khoảng 2% giá trị, trong khi còn hơn 98% giá trị lại bỏ phí. Người Trung Quốc đã lấy vỏ cà phê làm giá thể trồng nấm; sau khi thu hoạch nấm, phế phẩm được nghiền làm thức ăn chăn nuôi.
Biển cũng thế, không chỉ có cá tôm mà còn đầy san hô, rong nho, rong biển. Vài doanh nghiệp đã thử nghiệm sản xuất, chế biến rong biển tại Khánh Hòa nhưng chưa thể sánh với thị trường Hàn Quốc hay Nhật Bản, vì người dân các nước này có thói quen mỗi sáng ăn một miếng rong biển giàu dinh dưỡng. Đây thực sự là một ngành kinh tế, một giá trị bền vững.
Sản phẩm mật ong cũng vậy, nếu chỉ bán chai to sẽ không hiệu quả. Ở nước ngoài, người ta thường bán chai nhỏ với sản phẩm chế biến để chữa bệnh, làm đẹp.
Thực phẩm chỉ là tầng giá trị thấp nhất của nông sản. Vì vậy, cần khai thác thành dược phẩm, mỹ phẩm... để tìm kiếm giá trị thặng dư cao hơn. Có thể thấy giá trị đa tầng của nông sản là mênh mông. Đây là câu chuyện nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái xanh, tạo ra nhiều dòng sản phẩm.
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với ngành nông nghiệp, kỷ nguyên mới sẽ được hiện thực thế nào, thưa ông?
- Việt Nam có hơn 33 triệu ha đất tự nhiên và khoảng 100 triệu ha mặt biển, song nông nghiệp trong thời đại mới có lẽ đã đến lúc vượt khỏi địa giới hành chính.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có nên chấp nhận khai thác cái mình đang có hay không? Chúng ta có thể hợp tác với nước khác để trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời hình thành các đội tàu viễn dương lớn hơn để hợp tác với các quốc gia khác khai thác hải sản trên Thái Bình Dương.
Vươn mình thì phải vượt qua không gian lãnh thổ và kết nối, tạo đa tầng giá trị hơn. Tư duy đơn ngành theo tầng thấp thì không đuổi kịp, lỡ thời cơ. Nếu chậm chân, mất cơ hội so với các nước đến châu Phi đầu tư nông nghiệp, trồng lúa, chăn nuôi, lúc đó Việt Nam sẽ rất khó bán nông sản sang thị trường này.
Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về khả năng cùng các nước lập đội tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc đầu tư nông nghiệp ở châu Phi?
- Tôi từng trao đổi với lãnh đạo một số quốc gia có vùng biển chồng lấn với Việt Nam. Họ đề nghị phương án là cùng thành lập các đội tàu khai thác xa bờ. Khi đó, nhà nước sẽ cùng đầu tư hiện đại hóa đội tàu, hướng dẫn luật pháp, kỹ năng bảo quản hải sản khai thác cho người dân.
Một doanh nghiệp đơn lẻ muốn khai thác lĩnh vực này chẳng khác nào một lá tre nhỏ nhoi trên biển. Hình thành một tập đoàn đa ngành, với sự hỗ trợ của nhà nước và định hướng rõ muốn hiện diện quyền, lợi ích quốc gia ở đó, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đỡ được cảnh "rón rén" vì được hưởng cơ chế, chính sách thuận lợi. Đây cũng là giải pháp giúp Việt Nam thực hiện tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Đối với trồng trọt, chúng ta có thể hợp tác với nhiều quốc gia, gần thì có Lào, Campuchia, xa hơn là các nước châu Phi và một số quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số tập đoàn lớn đã đầu tư ở châu Phi, họ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đi sau sang đầu tư nông nghiệp.
Trong kỷ nguyên mới, chúng ta cần nghĩ khác đi, cùng nhau nghĩ lớn hơn. Vừa qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Lễ hội Trái cây tại Bắc Kinh - Trung Quốc, mong mỏi đưa nông sản đi sâu vào thị trường nội địa quốc gia này. Muốn bán nông sản giá cao thì phải có những không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm ở trung tâm Trung Quốc - nơi tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới.
Đã qua rồi thời nông sản Việt Nam xuất khẩu bằng tiểu ngạch, loanh quanh khu vực biên giới. Doanh nghiệp cần sát cánh cùng các bộ, ngành liên quan và đại sứ quán, cơ quan thương mại ở nước ngoài để tìm kiếm, phát triển thêm thị trường.
Hướng tới mốc 100 tỉ USD
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 đạt mức cao kỷ lục là 62,5 tỉ USD - tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục với 17,9 tỉ USD - tăng 46,8%.
Trong đó, 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỉ USD (năm 2023 có 6 mặt hàng). Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỉ USD - tăng 20,3%; rau quả 7,12 tỉ USD - tăng 27,1%; gạo 5,75 tỉ USD - tăng 23%, với số lượng 9,18 triệu tấn, tăng 12,9%; cà phê 5,48 tỉ USD - tăng 29,1%, với số lượng 1,32 triệu tấn, giảm 18,8%...
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân tổ chức cuối năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao chỉ tiêu cho ngành NN-PTNT là xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2025 đạt con số 70 tỉ USD, tiến tới mốc 100 tỉ USD. "Đó không chỉ là mục tiêu tham vọng mà còn là khát vọng của dân tộc, của đất nước. Vì vậy, khó mấy cũng phải làm để thu về "tiền tươi thóc thật" cho nông dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)