Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng từ năm 2019 có diện tích 38,6 ha tại Đại Lộ Thăng Long, thuộc 2 phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chính thức mở cửa cho du khách tới tham quan từ 1-11-2024. Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia cùng nhiều hiện vật quý giá khác.
Do vậy, nhiều du khách trong và ngoài rất muốn đến tham quan, tìm hiểu nhiều hơn về quá trình lịch sử hào hùng đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Song do điều kiện địa lý, sức khỏe… không phải du khách nào cũng có thể dễ dàng tới tham quan trực tiếp.
Xuất phát từ thực tiễn này, nền tảng Yoolife giới thiệu miễn phí sản phẩm "ảo hóa" Bảo tàng Lịch sử Quân sự qua nền tảng số - công nghệ VR360. VR360 (công nghệ thực tế ảo 360 độ) là một mô phỏng nghe nhìn của một môi trường bao quanh người dùng được thay đổi, tăng cường hoặc thay thế, cho phép họ nhìn xung quanh theo mọi hướng, giống như trong đời thực.
Người dùng có thể chọn các khu vực muốn xem từ cổng vào cho tới các khu vực trưng bày và sử dụng chuột hoặc màn hình cảm ứng để xoay 360 độ
Công nghệ tham quan ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các bạn trẻ với 10 ngàn lượt tải app YooLife trong 2 ngày qua.
Chị Minh Lan (sinh viên tại TP HCM) cho biết vừa vào ứng dụng để tham quan bảo tàng do điều kiện ở xa nên không thể ra Hà Nội. "Đối với tôi, lịch sử giành độc lập của dân tộc là "hồi ức" rất tự hào và luôn muốn tìm hiểu" - Minh Lan chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, sáng lập nền tảng số mở YooLife, kể với lợi thế chuyên về các giải pháp IoT và có sẵn các công cụ "ảo hóa" bằng hình ảnh 360 độ, ngay từ khi rục rịch thông tin Bảo tàng sắp mở cửa cho du khách tham quan, ông nhận thấy mình cần phải làm gì đó để cho nhiều người dân được trải nghiệm, tham quan bảo tàng qua không gian số, theo đó ý tưởng đã được hiện thực hóa.
Khác với các hình thức thể hiện thông qua ảnh và video, ảnh 360 độ giúp người dùng có thể cảm nhận được rõ hơn về không gian, từ đó có cảm giác chân thực hơn.
Người dùng có thể chọn các khu vực muốn xem từ cổng vào cho tới các khu vực trưng bày và sử dụng chuột hoặc màn hình cảm ứng để xoay 360 độ.
Ở mỗi khu vực, các mũi tên chỉ hướng tham quan, tương tự trải nghiệm khi tham quan bảo tàng thực và có thể bấm vào hiện vật để xem thông tin chú giải…
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Tùng hé lộ những dự định sắp tới của đơn vị như nhân rộng mô hình tham quan online qua các địa danh, di tích lịch sử nổi tiếng Hà Nội cũng như cả nước qua công nghệ số để lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.
Đặc biệt, ông cũng mong muốn phục dựng lại 36 phố phường của Hà Nội xưa và nay qua công nghệ số.
"Đây sẽ là những dự án cộng đồng phục vụ miễn phí người dùng với mục đích duy nhất là người dân Việt Nam hướng về lịch sử dân tộc, đẩy mạnh phát triển văn hóa, du lịch thông qua công cụ số" - ông Tùng khẳng định.
Bên cạnh đó, tính năng này cho phép bất kỳ ai cũng có thể ảo hóa không gian ngay trên chính điện thoại của mình. Theo đó, người dùng chỉ cần truy cập camera trên điện thoại, chọn tính năng panorama và chụp toàn bộ không gian xung quanh. Sau đó, mở ứng dụng Yoofife để tải hình ảnh vừa được quay được lên và nhập các thông tin về bảo tàng hay di tích là có thể trở thành không gian VR360 chi tiết và đầy đủ.
Bình luận (0)