Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tuấn cùng nghệ sĩ điêu khắc Lò An Chương, biên đạo múa Nùng Văn Minh, nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền, Trường Giang (nghệ nhân – nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ Hà Thành), cố vấn âm nhạc Việt Hùng, kỹ sư âm thanh Tùng Lâm và các nghệ nhân dân gian, đồng bào người Thái tại Hà Nội vừa mang đến cho khán giả show diễn thị giác độc đáo mang tên "Ngàn". Show diễn nằm trong khuôn khổ triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn", diễn ra từ nay đến hết 1-12 tại 75 Hàng Bồ, Hà Nội.
Lý giải về cách chơi chữ của "Tây Park - Ngàn", Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng hai chữ Tây Bắc đã quá quen thuộc với những người ưa xê dịch tại Việt Nam và những người bạn quốc tế cũng hoàn toàn có thể dễ dàng bị đắm say với vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng nơi đây. Tuy nhiên, chữ Bắc trong cách phát âm có dấu đôi khi đem lại chút trở ngại nho nhỏ đã gây cảm hứng cho Tuấn biến đổi sang chữ Park trong tiếng Anh có nghĩa là vùng đất rộng hoặc công viên.
Park cũng là một thành tố không thể thiếu khi nhắc đến những địa danh đã trở thành thành viên nằm trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu được viết tắt là GGN theo tên tiếng Anh Global Geoparks Network, là một mạng lưới hỗ trợ của UNESCO phục vụ quản lý trong Ủy ban Khoa học Trái Đất và Sinh thái (UNESCO Division of Ecological and Earth Sciences).
"Ngàn" mang ý nghĩa "rừng," đồng thời tượng trưng cho hàng ngàn câu chuyện và chân dung những con người mà Nguyễn Thanh Tuấn đã gặp trong hành trình hơn 10 năm khám phá Tây Bắc. Tác phẩm như một lời tri ân sâu sắc mà anh muốn dành tặng cho vùng đất đã đón nhận mình bằng cả sự nồng hậu và chân tình.
Xuyên suốt "Ngàn" visual show là những câu chuyện xúc động về con người Tây Bắc. Điển hình là chuyện tình yêu vượt qua nghịch cảnh của Minh và Chọi, đôi vợ chồng câm điếc thuộc dân tộc Thái - Mường. Bằng tình yêu và sự cảm thông, họ đã xây dựng tổ ấm nhỏ giữa muôn vàn khó khăn, trở thành biểu tượng của nghị lực kiên cường. Ngoài ra, hình ảnh những con người Tây Bắc vượt qua thiên tai như sạt lở để gắn bó và tái thiết cuộc sống cũng toát lên tinh thần mạnh mẽ và niềm tin sâu sắc vào quê hương.
"Ngàn" không chỉ tái hiện cảnh sắc thiên nhiên mà còn hòa quyện với tín ngưỡng thờ Sơn Trang, một phần của Tín ngưỡng Thờ Mẫu - nơi tôn vinh các nữ thần bảo hộ cho miền núi và đời sống nông nghiệp. Đây cũng là sự giao thoa giữa giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại, làm nổi bật nét đẹp tinh thần của người Tây Bắc.
Bình luận (0)