xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khẩn cấp trữ nước ngọt

VÂN DU - CA LINH - LÊ HOÀNG

Hiện tượng thời tiết cực đoan còn phức tạp do ảnh hưởng của El Nino nên các ngành chức năng ở ĐBSCL đang khẩn cấp xây dựng phương án ứng phó

Tại Cà Mau, khô hạn đã làm cho hơn 3.700 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, phải mua nước với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/m3 để sử dụng.

Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân

Việc thiếu nước ngọt trong sinh hoạt đã khiến đời sống, sản xuất bị đảo lộn. Để tiết kiệm tiền mua nước, nhiều người dân đành sử dụng nước mặn để tắm, rửa chén, giặt đồ... rồi mới xả lại bằng nước ngọt.

Ông Nguyễn Văn Bình (ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho hay đợt khô hạn này khiến cuộc sống xáo trộn rất nhiều bởi đói có thể nhịn được chứ thiếu nước ngọt thì không. Để khắc phục, theo ông Bình, ông sẽ thuê phương tiện cơ giới đào ao, lót bạt phía dưới và mua thêm phuy nhựa trữ nước trong mùa mưa rồi sử dụng khi cần thiết.

Ông Lê Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, thông tin địa phương đang khẩn trương thiết lập các điểm cấp nước tập trung, cấp bồn trữ nước và kéo dài đường ống tại những khu vực đã có công trình cấp nước tập trung. Từ đó, bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân.

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã đề xuất UBND tỉnh triển khai việc cấp nước cho nhóm dân cư sinh sống ở những khu vực thưa thớt, phân tán. Ngoài cấp phát bồn nhựa trữ nước cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, ngành chức năng sẽ lập 46 điểm cấp nước tập trung tại nhiều xã.

Ghe chở nước ngọt đến những vùng thiếu nước bán cho người dân Ảnh: VÂN DU

Ghe chở nước ngọt đến những vùng thiếu nước bán cho người dân Ảnh: VÂN DU

Đối với nhóm dân cư sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng, mạng lưới đường ống cấp nước tại 6 công trình cấp nước tập trung với tổng chiều dài gần 84 km được nhanh chóng mở rộng. Những khu vực có hệ thống nước nối mạng nhưng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt và nhóm đối tượng sinh sống tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước thì việc nâng cấp cần thời gian. Trước mắt, các đơn vị cấp nước sẽ chủ động cấp luân phiên (theo tuyến, từng giờ) để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau còn kiến nghị UBND tỉnh bố trí cấp nguồn vốn hơn 39 tỉ đồng nhằm thực hiện các giải pháp khẩn cấp cho nhóm dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán...

Chủ động

Sóc Trăng là địa phương giáp biển, khả năng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào mùa khô rất cao. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp của ngành chức năng cùng sự chủ động của nông dân nên đến nay không thiệt hại lớn.

Là hộ trồng sầu riêng lâu năm ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, ông Đoàn Văn Út Xuân cho biết với diện tích hơn 4 ha sầu riêng của gia đình, ông chủ động đào gần 10 ao, mương và bơm nước ngọt phục vụ tưới tiêu. "Tôi trữ nước vì có kinh nghiệm từ những năm qua, cùng với việc sử dụng nguồn nước tưới tiêu tiết kiệm nên từ năm 2020 đến nay dù vào cao điểm hạn, mặn thì khu vườn của tôi vẫn bảo đảm nước tươi tiêu" - ông Xuân lý giải.

Về phía ngành chức năng, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho hay chi cục chủ động lấy nước ngọt và đóng các cống ngăn mặn trên địa bàn từ trước Tết Nguyên đán nên hạn chế việc xâm nhập mặn những tuyến kênh, rạch trọng yếu ở huyện Trần Đề, huyện Long Phú. Cộng với việc khuyến khích nông dân xuống lúa vụ đông xuân sớm nên đến nay người dân thu hoạch gần xong, giảm đi ảnh hưởng tiêu cực.

Công nhân đang thi công các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại tỉnh Sóc Trăng  Ảnh: LÊ HOÀNG

Công nhân đang thi công các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại tỉnh Sóc Trăng Ảnh: LÊ HOÀNG

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật, thông tin về số liệu đo mặn trên các sông, kênh, rạch đến các cấp chính quyền địa phương và người dân để chủ động ứng phó và có kế hoạch trữ nước vào thời điểm độ mặn ở mức cho phép" - ông Đạo nói thêm.

Để bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân trong cao điểm hạn, mặn năm nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai đấu nối, hòa mạng các trạm, hệ cấp nước với nhau để điều hòa áp lực nước từ trạm cấp nước có công suất lớn, chất lượng nước tốt cho các trạm, hệ thống công suất nhỏ hơn.

 "Chúng tôi đưa xe bồn chở nước đến nơi hạn hán, xâm nhập mặn nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp khẩn cấp khi không thể tìm được nguồn nước tại chỗ" - ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thông tin.

Tại Vĩnh Long, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, kết quả đo độ mặn hằng ngày do Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh phụ trách từ 8 trạm đo mặn cố định được thông tin nhanh qua hệ thống tin nhắn SMS đến gần 1.800 đầu số là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, phát thông tin trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh để người dân, các tổ chức sản xuất biết, chủ động ứng phó. Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và hộ dân ở các huyện bị nhiễm mặn cũng tự trang bị máy đo độ mặn để chủ động lấy nước. 

Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm

Nhiều hộ nông dân ở TP Cần Thơ áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Cụ thể như tưới phun trên cao, tưới phun xung quanh gốc cây và tưới nhỏ giọt... trên cây trồng nhằm giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm lượng nước tưới. Việc này có ý nghĩa quan trọng khi tiết kiệm nước trong điều kiện khô hạn như hiện nay.

Nông dân sử dụng hệ thống đường ống tưới giúp tiết kiệm nước trong mùa khô hạn Ảnh: NGỌC TRINH

Nông dân sử dụng hệ thống đường ống tưới giúp tiết kiệm nước trong mùa khô hạn Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Lê Văn Bảy (ngụ xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) kể ông trồng 200 gốc nhãn và đầu tư hệ thống đường ống tưới nước tiết kiệm phun dưới gốc cây với chi phí khoảng 300 triệu đồng. "Chỉ cần mở khóa cho mô-tơ điện chạy, hệ thống nước được truyền tới gốc cây, giúp cây dễ dàng thấm sâu và hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi. Hệ thống này giúp tiết kiệm nước tưới, lại giảm nhân công" - ông Bảy cho biết.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo