Ngày 3-1, Báo Người Lao Động phối hợp với Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) khánh thành công trình "Đường cờ Tổ quốc" tại các tuyến đường dẫn đến Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Lãnh đạo thị xã Quảng Trị phát biểu về công trình "Đường cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động thực hiện
Công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024).
Rực rỡ "Đường cờ Tổ quốc"
"Đường cờ Tổ quốc" tại thị xã Quảng Trị được xây dựng với chiều dài hơn 5km, nằm trên các tuyến đường: Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng, Minh Mạng, Hai Bà Trưng dẫn đến khu Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Công trình nhằm góp phần nâng cao cảnh quan đô thị, tăng cường nhận thức, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm và hành động của các thế hệ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Lê Phương Bắc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị, cho hay "Đường cờ Tổ quốc" được xây dựng đúng thời điểm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Quảng Trị đang ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.
"Đường cờ Tổ quốc" là sự cổ vũ, động viên các tầng lớp cán bộ và Nhân dân thị xã phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nâng cao lòng tự hào dân tộc
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị, toàn Đảng, toàn dân thị xã Quảng Trị luôn hướng về Tổ quốc thiêng liêng bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như tổ chức chào cờ và sinh hoạt tư tưởng dưới cờ Tổ quốc, tuyên truyền và vận động Nhân dân treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ lớn của quê hương, đất nước.
"Việc treo Tổ quốc nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đem lại mỹ quan cho các tuyến đường, đồng lòng xây dựng mảnh đất Thành cổ Anh hùng thành đô thị văn minh, hướng đến đô thị vì Hòa Bình. Lãnh đạo thị xã Quảng Trị tin tưởng rằng việc tổ chức thành công công trình "Đường cờ Tổ quốc" lần này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cũng như nhắc nhở mỗi người dân trên địa bàn thị xã luôn biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", ông Bắc nhấn mạnh.
Dịp này, chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do Báo Người Lao Động quản lý, điều hành cũng đã trao 20 phần hỗ trợ kinh phí học tập (1 triệu đồng/phần) cho các học sinh nghèo vượt khó ở thị xã Quảng Trị.
Đến thời điểm hiện tại, Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động thực hiện đã trao, ký kết trao 2.024.520 lá cờ Tổ quốc cho các tỉnh, thành trên cả nước. Đối với hợp phần "Đường cờ Tổ quốc", Báo Người Lao Động đã khánh thành công trình tại 43 tỉnh, thành.
Riêng tại tỉnh Quảng Trị, Báo Người Lao Động đã trao tổng cộng 49.500 lá cờ Tổ quốc, trong đó 10.000 lá cờ được sử dụng để thực hiện hợp phần "Đường cờ Tổ quốc".
Oai hùng Thành cổ Quảng Trị
Thành cổ Quảng trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị. Đây là một công trình kiến trúc thành lũy cổ. Dưới thời tạm chiếm, Mỹ - Việt Nam Cộng hòa biến tòa thành này thành khu quân sự, trung tâm chỉ huy và nhà giam…
Để có hòa bình như hôm nay, không biết bao nhiêu máu xương của cha ông, của các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống. Thị xã Quảng Trị với "trái tim" là Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm "mùa hè đỏ lửa" năm 1972, đã hứng chịu trên 300.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử.
Các nhà khoa học quân sự ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo.
Thế nhưng, bom đạn không ngăn được quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ. Các anh đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng chiến hào, từng đống đổ nát tại Thành cổ Quảng Trị.
Sau 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972) chiến đấu anh dũng, kiên cường, các chiến sĩ quân giải phóng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ tái chiếm Thành cổ Quảng Trị của địch.
Điều này đã góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, mở đường cho Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Với giá trị lịch sử và tầm vóc nói trên, Thành cổ Quảng Trị được xếp hạng Di tích Quốc gia. Đến năm 1994, Thành cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.
Bình luận (0)