Sự tàn lụi của văn hóa Hopewell là chủ đề gây tranh cãi nhiều năm trong giới khảo cổ Mỹ. Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà nhân chủng học Kenneth Tankersley từ Đại học Cincinnati (Ohio, Mỹ) đã lần tìm manh mối cho câu trả lời từ nhiều điểm bất thường: những truyền thuyết kỳ lạ và lượng bạch kim dồi dào trong đất đai của 3 tiểu bang.
Viên nam châm được dùng để thu thập các hạt kim loại li ti từ trầm tích đã hé lộ các thành phần thuộc về một vật thể ngoài hành tinh, một sao chổi tử thần - Ảnh: Michael Miller
Truyền thuyết của các bộ lạc trong vùng này kể rằng có một con rắn có sừng khổng lồ bay ngang bầu trời 1.500 năm trước, thả những khối đá xuống đất rồi lao xuống sông. Một dị bản khác mô tả một "con báo trên trời" với hành vi tương tự. Dị bản khác lại đề cập tới ngày "Mặt trời rơi xuống".
Theo Science Alert, các nhà nghiên cứu tin rằng các truyền thuyết đề cập đến một hiện tượng thiên văn hiếm có.
Thứ gây nghi ngờ là một gò đất hình sao chổi dược xây dựng ở khu vực Milford Earthworks, trung tâm của khu vực mà văn hóa Hopewell từng ngự trị và tàn lụi bí ẩn
Do vậy, họ đã phân tích đất đai và trầm tích trong khu vực và nhận ra ngay điểm bất thường. Ngay cả hiện tại, nồng độ Iridi và bạch kim tại 11 địa điểm khảo cổ Hopewell vẫn còn rất cao. Đặc điểm này hiện rõ trong các lớp trầm tích và đặc biệt lớp trầm tích 1.500 năm trước còn có cả một lớp than.
Bài công bố trên Scientific Report tái hiện lại thảm họa: đó là một vụ nổ sao chổi.
Khi sao chổi bay ngang trời, nó sẽ trông như một con rắn phát sáng, theo đúng truyền thuyết phổ biến trong các bộ lạc. Sao chổi phát nổ tạo ra một trận mưa thiên thạch đáng sợ, gây bốc cháy một khu vực 23.828 km2. Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, hệ sinh thái bị đảo lộn kéo theo sự lụi tàn dần của các bộ lạc trong nhiều năm sau đó.
Kết quả xác định niên đại dựa trên đồng vị carbon phóng xạ cho thấy sự kiện bí ẩn đã xảy ra khoảng năm 252 đến năm 383 sau Công Nguyên, thời điểm mà có tới 69 sao chổi gần Trái Đất liên tiếp đe dọa hành tinh, dù chưa rõ cái nào đã phát nổ.
Bình luận (0)