Các nhà khảo cổ Ý đã được một phen hết hồn khi khai quật một phế tích thời trung cổ gần Công trường La Mã – "trái tim" của thành Rome. Một chiếc đầu bằng đá cẩm thạch trắng to lớn bất ngờ xuất hiện trong tư thế bị mắc kẹt giữa một bức tường, không có phần thân.
Cận cảnh chiếc đầu cẩm thạch của thần Dionysus - ảnh: Công viên Khảo cổ học Colosseum
Sau khi được lấy ra khỏi bức tường và tỉ mỉ làm sạch, có thể nhận ra cái đầu mô tả một khuôn mặt rất đẹp, trẻ trung, đường nét mềm mại, thanh tú, mắt sâu, miệng hơi hé ra, mái tóc dày lượn sóng… Các chi tiết trên phù hợp với mô tả về thần rượu nho Dionysus trong thần thoại Hy Lạp.
Tình trạng bức tượng rất tốt - ảnh: Công viên Khảo cổ học Colosseum
Bức tượng ở trong tình trạng cực kỳ tốt, các đường nét điêu khắc tinh xảo được bảo tồn gần như toàn vẹn dù ước tính niên đại lên tới 2.000 năm (khoảng giữa thế kỷ 1 đến đầu thế kỷ 2 sau Công nguyên). Các nhà khảo cổ tin rằng nó không chỉ là một bức tượng bán thân mà là một phần của một bức tượng lớn hơn rất nhiều, có thể mô tả toàn thân thần Dionysus.
Theo công bố từ Công viên Khảo cổ học Colosseum, đơn vị khai quật, lý do chiếc đầu cẩm thạch mắc kẹt giữa bức tường là… nó đã bị tái chế, dùng để xây tường như một dạng "xà bần".
Các nhà khảo cổ đang lấy chiếc đầu cẩm thạch ra khỏi bức tường nhốt nó suốt nhiều thế kỷ - ảnh: Công viên Khảo cổ học Colosseum
Thần Dionysus trong thần thoại Hy Lạp là con trai của thần Zeus với một công chúa người trần là nàng Semele. Để tránh cơn ghen tuông của vợ là thần Hera, Zeus đã đem Dionysus sơ sinh về hòn đảo nơi ngày xưa ông đã được nuôi nấng bởi các nàng tiên Xyphanh. Khi lớn lên, sau một lần hái nho và vô tình giẫm phải chậu nho, Dionysus phát hiện thứ nước được tạo nên có mùi và hương vị tuyệt vời, uống vào cảm thấy sảng khoái. Chàng đem rượu nho (rượu vang) đi khắp nơi và khiến nó thành thức uống được cả thế giới tôn vinh.
Bình luận (0)