Đó là những sinh vật mà thế hệ tổ tiên của chúng xuất hiện tận 3,5 tỉ năm trước, với hóa thạch goi là stromatolit. Khi chúng ra đời, Trái Đất không hề có oxy để quang hợp. Chúng hít thở bằng chất độc khét tiếng: thạch tín, tên thường dùng để chỉ nguyên tố asen và các hợp chất của nó.
Thảm vi sinh vật tạo thành một màu tím đẹp mắt phủ kín mặt hồ ở Laguna La Brava, một địa điểm giữa sa mạc Atacama, nơi vĩnh viễn không có oxy.
Thảm vi sinh vật đáng kinh ngạc hít thở bằng thạch tín, không cần oxy - ảnh: PIETER VISSCHER
Hóa thạch mang tên stromatolit của loài sinh vật thở bằng thạch tín này từng được tìm thấy ở Hệ tầng Tumbiana ở Tây Úc. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu khác cũng phát hiện một dạng sống vi sinh ở Thái Bình Dương cũng chọn độc tố asen làm nguồn sống.
Thảm vi sinh vật này cũng có nhiều nét tương đồng với Ectothiorhodospira sp., một loại vi khuẩn lưu huỳnh cũng mang màu tím, được tìm thấy trong một hồ nước giàu asen ở Nevada và có khả năng quang hợp bằng cách oxy hóa hợp chất arsenite thành arsenate, một dạng hợp chất khác của asen.
Tiến sĩ Pieter Visscher, nhà địa chất học từ Đại học Connecticut (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết phát hiện này là gợi ý quan trọng cho các cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh. Ở một số hành tinh khác từng được xác định, oxy cho sự sống có thể không bảo đảm nhưng asen thì có.
Tiến sĩ Visscher đã khảo sát vùng hồ "địa ngục" này trong suốt 35 năm để phục vụ cho công trình. Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Communications Earth and Environment.
Bình luận (0)