Đây là công trình của nhóm khoa học gia đến từ Rigshospitalet, một trung tâm hỗ trợ sinh sản hàng đầu Châu Âu có trụ sở tại Copenhagen, Đan Mạch. Sản phẩm của họ là một buồng trứng được "thiết kế sinh học", đã chứng minh khả năng hoạt động đáng ngạc nhiên trong thử nghiệm động vật.
Buồng trứng nhân tạo là buồng trứng của con người được "tái tạo sinh học", chỉ còn trơ chiếc khung vì đã bị loại bỏ DNA và nhiều yếu tố sinh học - ảnh: myeIVF
Vật liệu chế tạo nên buồng trứng nhân tạo lấy từ chính các bệnh nhân ung thư. Một chuỗi quy trình hóa học được sử dụng để tách DNA và các tế bào, vật liệu sinh học khác trong buồng trứng – tất cả những thứ mà ung thư có thể bám rễ và phát triển.
Nói cách khác, buồng trứng lúc đó gần như bị "tước bỏ linh hồn", chỉ còn là một giàn giáo trơ khung. Điều ngạc nhiên là bộ khung này vẫn đảm bảo chức năng sinh sản. Sau quá trình loại bỏ các vật liệu sinh học, nhóm nghiên cứu các tế bào trứng chưa trưởng thành vào bộ khung trơ trọi này và phát triển chúng hoàn toàn thành công.
Trứng non chứa trong buồng trứng nhân tạo chỉ còn bộ khung này dễ dàng tái hòa nhập và tồn tại trong cơ thể vật chủ bất kỳ, hiện tại là các con chuột thí nghiệm, trong tương lai là chính các bệnh nhân ung thư.
Tiến sĩ Susanne Pors, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết đây là lần đầu tiên các nang trứng của con người sống sót trong một giàn giáo đã được loại bỏ mã di truyền. Đó là một chiến lược mới cho việc bảo tồn khả năng sinh sản mà không sợ nguy cơ tái xuất tế bào ác tính, do chiếc khung trơ trọi không còn gì để ung thư có thể xâm chiếm.
Công nghệ có triển vọng thay thế cho biện pháp đông lạnh trứng trước hóa trị - xạ trị được sử dụng trước đây. Đông lạnh trứng và quá trình IVF sau đó có tỉ lệ thất bại không nhỏ cho dù sử dụng kỹ thuật cao cấp đến đâu. Công nghệ mới này hứa hẹn một giải pháp bền vững do bảo tồn được hoàn toàn khả năng sinh sản: khi buồng trứng sau tái tạo sinh học được đưa về vật chủ, nó vẫn sẽ sống và hoạt động, họ sẽ có thể có con tự nhiên bất cứ khi nào họ muốn.
Bình luận (0)