Các nhà khoa học đến từ Đại học Alabama (Mỹ) đã tìm ra mối liên hệ chặt chẽ "đáng ngạc nhiên" giữa các gene kiểm soát màu tóc và các gene tạo ra phản ứng phòng thủ, kiểm soát các hormone stress khi chúng ta gặp phải điều gì đó.
Căng thẳng, lo âu có thể khiến tóc bạn bạc đi nhanh chóng - ảnh minh họa từ internet
Stress này có thể đến từ một căn bệnh nặng, tai nạn, chấn thương tâm lý hoặc gặp một vấn đề gì khiến bạn căng thẳng, lo âu cao độ. Khi các gene kiểm soát hormone stress bị kích thích, chúng sẽ gửi tín hiệu đến các bạn bè: đã đến lúc chúng ta phải chống lại các tác nhân gây stress.
Và cách phản ứng của các gene kiểm soát màu tóc chính là tác động đến các nang tóc khiến chúng "tắt" chế độ màu sắc đi, khiến bạn bạc đầu.
Trong vài tình huống, các gene làm nhiệm vụ kiểm soát màu da cũng bị tác động và tạo ra phản ứng "tắt" sắc tố, khiến bệnh nhân bị bạch biến sau một cơn stress nặng.
Những phản ứng dây chuyền này khởi nguồn từ một tín hiệu hóa học mà các tế bào tạo ra để phản ứng với stress, gọi là interferon. Thực ra bản chất của interferon là tốt, chúng giúp kích hoạt hệ thống phòng thủ của cơ chế, ví dụ như nhắc nhở hệ miễn dịch sẵn sàng chiến đấu để ngăn chặn virus hiệu quả hơn.
Hiện tượng bạc đầu hay bạch biến bị xem như những tác dụng phụ không mong đợi của quá trình này. Một số người thậm chí bạc đầu nhanh chóng chỉ sau một vài ngày hứng chịu cú sốc lớn.
Một trong các tác giả, ông William Pavan, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết khám phá mới này cũng cho thấy các gene kiểm soát sắc tố trong tóc và da cũng có vai trò trong việc kiểm soát hệ miễn dịch bẩm sinh. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học PLOS Biology.
Vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ University College London (Anh) từng phát hiện ra một gene riêng lẻ mang tên IRF4 có thể khiến tóc bị bạc đi.
Bình luận (0)