Trích xuất vôi răng từ những bộ hài cốt được khai quật từ địa điểm khảo cổ Megiddo ở Israel, nhóm khoa học gia quốc tế dẫn đầu bởi giáo sư Philipp Stockhammer từ Đại học Munich (Đức) đã phát hiện ra dấu vết của những loại thực phẩm, gia vị và dầu không có ở địa phương mà có nguồn gốc tận châu Á xa xôi.
Địa điểm khảo cổ Megiddo ở Israel - Ảnh: Ảnh: CƠ QUAN QUẢN LÝ CỔ VẬT ISRAEL
Đối với người hiện đại, điều đó có vẻ bình thường nhưng đối với niên đại của các hài cốt đó, đây là điều không thể tin nổi. Họ sống vào thời đại đồ đồng (năm 3000-1200 trước Công Nguyên) và Thời kỳ đồ sắt sớm (từ năm 1200 trước Công Nguyên). Trong khi đó, giới khảo cổ trước đây tin rằng sự kết nối thương mại giữa khu vực Đông Á, Nam Á và Địa Trung Hải, cũng như nhiều miền đất khác về phía Tây, chỉ được kiến tạo vào cuối thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, nhờ "con đường tơ lụa".
Tiên sĩ Ianir Milevski từ Cơ quan Quản lý cổ vật Israel tại hiện trường khai quật - Ảnh: CƠ QUAN QUẢN LÝ CỔ VẬT ISRAEL
Theo Acient Origins, vôi răng của những người cổ đại này cho thấy từ khoảng 3.700-4.000 năm về trước, cư dân Địa Trung Hải đã thưởng thức các món ăn từ Đông Á và Nam Á như mè, nghệ, chuối, đậu nành, cùng nhiều loại thực phẩm và gia vị phương Đông đặc trưng khác.
Điều này cho thấy sự giao thương giữa các vùng đất xa xôi này đã có từ rất lâu trên thế giới, sớm hơn gần 2 thiên niên kỷ so với hiểu biết trước đây. Viết trên tạp chí khoa học PNAS, đồng tác giả - tiến sĩ Christina Warinner từ Đại học Havard (Mỹ), bình luận rằng phát hiện này đã chứng tỏ tiềm năng to lớn của phương pháp nghiên cứu vôi răng trong khảo cổ học. Đó là một nguồn thông tin quý giá về cuộc sống của người cổ đại, thường là phần được bảo quản tốt trong các bộ hài cốt.
Bình luận (0)