Một con mực Humboldt lớn chết do ngộ độc. Ảnh Shutterstock
Tuần trước, tại vịnh Monterey, hàng ngàn con mực Jumbo (còn gọi là mực Humboldt) lại đâm đầu vào bờ “tự tử”. Nhiều người đã cố gắng cứu những con mực bằng cách đưa chúng trở lại biển nhưng sau đó, chúng vẫn tiếp tục lao vào bờ.
Nhiều thập kỷ qua, nguyên nhân hiện tượng mực “đổ bộ” lên bờ và chết hàng loạt vẫn còn là một ẩn số.
Tuy nhiên, nhà sinh vật biển William Gilly của Trường Đại học Hopkins Marine, California cho biết qua phân tích hóa chất trong xác mực Jumbo, các nhà khoa học đã phát hiện ra axit domoic vốn có trong tảo độc. Chất này khiến mực bị tê liệt thần kinh, mất khả năng định hướng và đâm vào bờ.
Mùa thu năm nay, thủy triều đỏ - hiện tượng tảo nở hoa tạo ra một vùng biển rộng lớn có màu đỏ như máu và phát ra độc tố ảnh hưởng đến não - đã xảy ra 3 tuần. Thời điểm này trùng khớp với giai đoạn mực chết hàng loạt.
Mực lao vào bờ chết hàng loạt. Ảnh: ABC
Theo các nhà khoa học, nếu nồng độ axit domoic trong cơ thể động vật tăng cao, mực có thể bị say, phát cuồng, rồi lao vào bờ, giãy giụa liên tục và bị ngộp thở đến chết.
Nếu con người ăn phải sò, ốc, mực hay hải sản nhiễm độc trong thủy triều đỏ, họ có thể bị mất trí nhớ do chất độc phá hủy trung tâm kiểm soát trí nhớ của não. Rất nhiều trường hợp sư tử biển ăn phải cá cơm nhiễm độc đã xuất hiện dấu hiệu động kinh, mất phương hướng và hành động kỳ lạ.
Bình luận (0)