Nhóm nghiên cứu quốc tế đẫn dầu bởi Trung tâm Năng lực Quốc gia về Nghiên cứu hành tinh thuộc Đại học Bern và Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã "xâm nhập" vào bầu khí quyển của WASP-121b, một ngoại hành tinh siêu nóng.
Hành tinh này quay gần ngôi sao mẹ của nó hơn khoảng cách Mặt Trời - Trái Đất tới 40 lần, nên đã nhận được một nhiệt lượng khủng khiếp.
Ảnh đồ họa mô tả hành tinh đặc biệt cách chúng ta 850 năm ánh sáng - Ảnh: NASA
Theo tiến sĩ Jens Hoeijmakers, một trong các tác giả đứng đầu nghiên cứu, họ đã kiểm ra dữ liệu bằng máy quang phổ HARPS và xác định được ít nhất 7 kim loại đang tồn tại ở thể khí trên hành tinh này: sắt, crom, canxi, natri, magiê, niken.
Trước đó, vào năm 2019, khi mới được phát hiện, hành tinh kỳ lạ này từng gây chú ý với giới khoa học bởi nó không phải một quả cầu tròn mà... mang hình bầu dục. Nguyên nhân là nó quay quá gần sao mẹ và bị lực hấp dẫn của sao mẹ kéo mạnh, làm méo mó cả khối cầu. Có thể trong tương lai nó sẽ sớm bị phá hủy trong cuộc giằng co không cân sức này.
Hành tinh này được xếp vào loại "Sao Mộc nóng", tức những hành tinh khí khổng lồ tương tự Sao Mộc của Hệ Mặt Trời, nhưng lại quay gần sao mẹ và nóng bỏng.
Bài công bố vừa đăng tải trên tạp chí Astronomy & Astrophysics khẳng định tuy thế giới có nhiệt độ trung bình 2.500-3.000 độ C này gần như chắc chắn là không thể tồn tại sự sống, nhưng chính việc xác định được thành phần kim loại trong khí quyển là một bước tiến lớn trong công cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh.
Bởi lẽ, với thiết bị quang phổ và kỹ thuật quan sát hiện tại, các nhà khoa học đã đi đúng hướng. Chỉ cần "nâng cấp" thêm một chút, họ có khả năng tìm kiếm "chữ ký hóa học" của nước, oxy và metan ở các ngoại hành tinh xa như vậy, thậm chí may mắn hơn là dấu hiệu sinh học trực tiếp.
Bình luận (0)