Nghiên cứu mới từ Đại học Yale (Mỹ) cho biết các vụ va chạm cổ đại có thể đã làm nhiều mảnh vỡ từ bề mặt Sao Kim bị bắn tung và rải đầy mặt trăng của Trái Đất. Đặc biệt, các mảnh vỡ này sẽ bảo lưu toàn vẹn được các dấu vết hóa học về thời hành tinh này còn có đại dương và một bầu khí quyển khối lượng thấp, phù hợp với sự sống.
Hai tác giả chính là tiến sĩ Samuel Cabot và tiến sĩ Gregory Laughlin cho biết họ đã dựa vào những bằng chứng cho thấy khoảng 700 triệu năm về trước hoặc lâu hơn, Sao Kim đã từng sở hữu một bầu khí quyển giống Trái Đất, trước như hiệu ứng nhà kính khắc nghiệt làm dày khí quyển đến mức không một tảng đá nào có thể thoát ra ngoài.
Sao Kim, một hành tinh khác cùng nằm trong "vùng sự sống" của Hệ Mặt Trời - Ảnh: NASA
Trong giai đoạn có khí quyển mỏng cổ xưa đó, Sao Kim có thể đã hứng chịu khá nhiều vụ va chạm tiểu hành tinh và sao chổi; vì chính Trái Đất cổ xưa cũng có những giai đoạn bị bắn phá liên tục. Các nhà khoa học tin rằng Sao Kim đã giải phóng ra ngoài khoảng 10 tỉ tảng đá không gian. Số thiên thạch này bay lơ lửng vào một quỹ đạo vô tình giao nhau với Trái Đất và mặt trăng của Trái Đất.
Nhờ đó, lực hấp dẫn của Trái Đất và mặt trăng đã nhanh chóng "dọn dẹp" số mảnh vỡ đó. Thế nhưng việc tìm kiếm mảnh Sao Kim sẽ bất khả thi trên Trái Đất rộng lớn với hoạt động kiến tạo mảng sôi động. Mặt trăng là địa điểm hứa hẹn để khai thác loại tàn tích thú vị này.
Các mảnh hành tinh sẽ giải mã nhiều bí ẩn trong khoa học hành tinh như dòng chảy quá khứ của các tiểu hành tinh và sao chổi, lịch sử khí quyển của hành tinh và sự phong phú của nước lỏng. Vì vậy, nghiên cứu đem đến gợi ý cho các nhiệm vụ khám phá không gian tương lai, nhất là khi Sao Kim đang là điểm đến hứa hẹn với các bằng chứng chưa rõ ràng về sự sống đang lộ diện. Chi tiết vừa công bố trên Planetary Science Journal.
Bình luận (0)