Theo Live Science, hành tinh mới - được đặt tên M51-ULS-1b - chỉ mới được coi là "ngoại hành tinh tiềm năng" bởi các dấu hiệu về sự tồn tại của nó vẫn là gián tiếp, như hầu hết ngoại hành tinh được quan sát trước đây. Tuy nhiên, nó cũng có thể mới là phần nổi của tảng băng trôi: khả năng cao là có rất nhiều ngoại hành tinh khác giống vậy quay quanh khu vực M51-ULS-1b được xác định.
Ảnh đồ họa mô tả thế giới của một ngôi sao neutron và một lỗ đen, có thể chứa đựng một hành tinh thú vị quay quanh - Ảnh: NASA/CXC/M. Weiss
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Rosanne Di Stefano từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard - Smithsonian (Mỹ) cho biết thế giới kỳ lạ này không quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời.
Thứ mà các nhà khoa học tìm được từ bộ dữ liệu phức tạp của Đài quan sát tia X Chandra của NASA là một ngôi sao neutron quay xung quanh một lỗ đen hoặc một ngôi sao đồng hành khổng lồ, và ngoại hành tinh bí ẩn lại quay quanh cặp đôi chết chóc này, điều chưa từng thấy trong các hành tinh cùng thiên hà.
Sao neutron là tàn tích từ 2 lần "chết đi" của một ngôi sao khổng lồ với từ trường có thể mạnh gấp 1 tỉ lần Trái Đất dù nhỏ bé hơn nhiều. Nó cũng được coi là một dạng "quái vật vũ trụ" giống như lỗ đen.
Tìm được một hành tinh ngoài thiên hà Milky Way (thiên hà chứa Trái Đất) là một phát hiện ngoạn mục bởi bản thân những hành tinh cùng thiên hà nhưng thuộc các hệ sao quá xa xôi vốn đã khó quan sát. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu lần này phát hiện ra rằng quan sát bằng tia X sẽ đem đến những phát hiện tốt hơn ở những vùng không gian xa xôi hơn. Điều này có thể mở ra một chương mới trong công cuộc săn tìm các thế giới ngoài Trái Đất.
Trong nghiên cứu lần này, các nhà khoa học đã "bắt" được một quãng gián đoạn tia X khi quan sát cặp vật thể "quái vật'' - sao neutron và lỗ đen - tiết lộ rằng có một thứ gì đó đang chắn ngang tầm nhìn, mà một hành tinh khổng lồ sẽ là câu trả lời hợp lý nhất.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Bình luận (0)