Theo BBC, nghiên cứu dẫn đầu bởi các nhà sinh vật học Carlos Taboada từ Đại học Duke (Bắc Carolina - Mỹ) và Jesse Delia từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (New York - Mỹ) đã phát hiện ra cách "không thể tin nổi" mà loài ếch thủy tinh đã lẩn trốn vào ban ngày.
Ba con ếch thủy tinh đang ngủ trên lá - Ảnh: Jesse Delia
Sinh vật bí ẩn này, tên đầy đủ là ếch thủy tinh Fleischmann (danh pháp khoa học Hyalinobatrachium fleischmanni) nổi tiếng với làn da và cơ thể trong suốt. Nếu bạn bắt được một con và lật ngửa chúng lên, thậm chí có thể nhìn thẳng vào trái tim đang đập bên trong.
Bình thường những con ếch này có màu xanh và dễ dàng ẩn nấp trong những chiếc lá vào ban đêm. Nhưng lẩn trốn ban ngày thì khó hơn nhiều, nhất là khi tồn tại trong những khu rừng Nam Mỹ đầy hiểm nguy.
Vì vậy chúng trở nên trong suốt vào ban ngày. Theo Science Alert, phân tích mới cho thấy mô của các con ếch thủy tinh này có thể để tới 90% đến 95% ánh sáng xuyên qua khi chúng biến hình thành trong suốt.
Cách chúng phát huy siêu năng lực này càng đáng kinh ngạc hơn: Tự lọc hồng cầu ra khỏi huyết tương, giấu hết vào gan. Vậy là cơ thể chúng chỉ còn lưu thông huyết tương trong suốt.
Ếch thủy tinh khi đang ngủ và khi thức - Ảnh: Jesse Delia
Chúng làm như vậy trong mỗi giấc ngủ. Khi thức dậy, lá gan tự trả dần hồng cầu về với cơ thể, giúp chúng hoạt động bình thường như chưa có gì xảy ra, các hoạt động trao đổi chất lại vận hành như cũ.
Mở rộng nghiên cứu, các tác giả nhận thấy có thêm 3 loài ếch nhiệt đới mang năng lực này, tuy yếu hơn, chỉ giúp chúng mờ đi một chút và dễ tiệp màu hơn, với độ giảm lưu thông của tế bào hồng cầu vào khoảng 12%.
Siêu năng lực này của ếch thủy tinh không chỉ là một phát hiện thú vị, mà còn hứa hẹn mở ra những hướng đi mới trong nghiên cứu y học, nhằm điều trị các tình trạng ở người.
"Khả năng điều chỉnh, mật độ và cách "đóng gói" các tế bào hồng cầu mà không bị đông máu của ếch thủy tinh mang lại cái nhìn sâu sắc trong nghiên cứu về trao đổi chất, huyết động học và huyết khối" - các tác giả viết trong bài công bố trên tạp chí Science.
Bình luận (0)