Tin mừng tuổi thọ của mặt trời được tính là 10 tỉ năm tuổi, tức nó còn "sống" được khoảng 5 tỉ năm nữa.
Một tinh vân mang tên Abell 39, cách chúng ta 7.000 năm ánh sáng - ảnh: Press Association
Một nghiên cứu quốc tế vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy đã chỉ rõ ra tương lai của mặt trời: nó sẽ chết trong một vụ nổ bụi và khí mạnh, phun các vật chất của nó vào không gian.
Một tinh vân chết chóc và tuyệt đẹp sẽ hình thành sau đó hay nói cách khác là một vòng mây phát sáng mà những người ngoài hành tinh đâu đó có thể trông thấy từ cách hàng triệu năm ánh sáng.
Một tinh vân tuyệt đẹp khác mang tên NGC 6751 - ảnh: Reuters
Tinh vân, một dạng "bóng ma" của các ngôi sao, là một trong những vật thể đẹp nhất mà các nhà thiên văn học có thể quan sát. Nó như một phút huy hoàng cuối cùng, thường sáng hơn gấp nhiều lần so với ngôi sao đó khi còn "sống" và khiến một vùng rộng lớn trong vũ trụ có thể trông thấy nó.
Xung quanh tinh vân còn có một đám bụi vũ trụ, chính là một dạng tro tàn của mặt trời.
Giáo sư Albert Zijlstra - đến từ Đại học Manchester (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết khi một ngôi sao chết, nó sẽ thải ra một khối khí, bụi và 90% các trường hợp khối khí này tạo thành một tinh vân.
Ước tính khối khí và bụi đó có thể bằng một nửa khối lượng của ngôi sao. Đó chính là phần cốt lõi của ngôi sao, sau khi nó đã sử dụng hết nhiên liệu, tắt ngấm và chết.
Khi mặt trời chết, nó sẽ kéo theo sự tuyệt chủng của mọi hình thức sự sống trên hành tinh của chúng ta – trái đất, cũng như các hành tinh khác trong hệ mặt trời, nếu như chúng có sự sống.
Bình luận (0)