Đó là Enceladus, mặt trăng băng giá của Sao Thổ. Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà khoa học hành tinh Frank Postberg từ Đại học Tự do Berlin (Đức) đã xác định được các hợp chất chứa phốt pho có thể tồn tại với số lượng nhiều hơn 100 lần so với Trái Đất.
Enceladus và các luồng hơi nước mang dấu hiệu sự sống - Ảnh: NASA
Phốt pho là một trong 6 yếu tố quan trọng nhất để sự sống tồn tại trong một thế giới có nước. Và nó đang phun thẳng lên từ đại dương ngầm, được cho là ấm áp như đại dương của địa cầu.
Viết trong bài công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học Đức cho biết đây là lần đầu tiên phốt pho được phát hiện trong một đại dương bên ngoài Trái Đất.
Trước đó, các mô hình hành tinh từng nghi ngờ Enceladus thiếu muối phốt phát và đó trở thành rào cản lớn cho sự sống ở một thiên thể hội tụ quá nhiều yếu tố thuận lợi cho sự sống. Nhưng với phát hiện mới, rào cản đó đã được dỡ bỏ.
Để xác định phốt pho, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp khối phổ dựa trên quần thể hạt băng trong luồng hơi nước phun ra từ Enceladus, và nhận ra sự hiện diện của một muối phốt pho là natri phốt phát.
Các bước nghiên cứu tiếp theo trong phòng thí nghiệm, dựa trên dữ liệu phong phú mà tàu NASA gửi về từ "mặt trăng sự sống" này đã chỉ ra đại dương của nó phải rất giàu phốt phát hòa tan.
Theo dữ liệu từ tàu Cassini mà NASA đã công bố, Enceladus sở hữu một đại dương ngầm toàn cầu với nhiều yếu tố phù hợp cho sự sống, được sưởi ấm bằng hệ thống thủy nhiệt tương tự hệ thống bên dưới biển quanh đảo Hawaii - Mỹ hay Nam Cực.
Chính NASA có niềm tin lớn rằng Enceladus có sự sống. Ngoài tàu Cassini lâu đời, cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới này đang phát triển một con robot mang hình dạng mãng xà khổng lồ, dự tính sẽ chui xuống các rặng núi băng ở thiên thể này để nắm bắt bằng chứng rõ ràng hơn của sự sống.
Bình luận (0)