Tuyên bố mới từ NASA cho biết một "báu vật" mới vừa được tìm thấy bởi James Webb, siêu kính viễn vọng do cơ quan này phát triển và điều hành chính. Đó là methyl cation (CH3+), ở nơi cách chúng ta 1.350 năm ánh sáng: Tinh vân Orion.
Tinh vân Orion là một trong những vật thể tuyệt đẹp nhất mà bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái Đất. Nó cũng là một vườn ươm sao hiếm hoi hé lộ cực kỳ rõ ràng dưới "mắt thần" của các kính viễn vọng.
Tinh vân Orion và hình ảnh phóng to nơi chứa đựng dấu hiệu sự sống sắp ra đời - Ảnh: NASA/ESA/CSA
Trong khi đó, CH3+ là một trong những dấu hiệu sự sống tiềm năng mà các nhà khoa học luôn khao khát chạm đến. Các hợp chất carbon tạo thành nền tảng của tất cả các dạng sống. "Do đó, sự xuất hiện của loại ion phân tử carbon này đặc biệt quan trọng" - nghiên cứu trên Sci-News nhận định.
CH3+ có một đặc tính độc đáo là khả năng phản ứng đa dạng với các phân tử nhỏ khác để tạo thành các hợp chất hữu cơ phức tạp ngay trong môi trường giữa các vì sao.
"Việc phát hiện CH3+ này không chỉ xác nhận độ nhạy đáng kinh ngạc của James Webb mà còn xác nhận tầm quan trọng của CH3+ giữa các vì sao" - TS Marie-Aline Martin từ Đại học Paris-Saclay (Pháp), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Giống như những giả thuyết đã được chứng minh, Trái Đất và các hành tinh có sự sống khác cũng đã hình thành trong môi trường có các phân tử hữu cơ lang thang như vậy.
Điều này có nghĩa là tinh vân Orion có tiềm năng tạo ra những hành tinh có sự sống. Chính bức xạ cực tím từ sao lùn đỏ có thể đã kích thích việc tạo ra CH3+. Các phân tử hóa học phức tạp hơn từ nó sẽ được gieo mầm vào các hành tinh mới thành hình.
Và nếu sự sống sơ khai tiếp tục chiến đấu thành công khỏi tác hại từ tia cực tím, nó sẽ ra đời và phát triển - có thể như Trái Đất.
Phát hiện này cung cấp thêm dữ liệu quý giá về cách mà hành tinh chúng ta có được sự sống.
Để tìm kiếm thế giới đang sở hữu điều huyền diệu đó, bạn hãy thử tìm chòm sao Orion (Lạp Hộ) trong những đêm không trăng, thời tiết tốt. Với cấu trúc đặc biệt, Tinh vân Orion sẽ sáng lờ mờ khi nhìn bằng mắt thường.
Bình luận (0)