Khi rời châu Phi, có một nhánh Homo sapiens đã chuyển hướng lên phương Bắc, sau nhiều đời một phần định cư lại châu Âu, một phần tiếp tục di chuyển sang châu Á. Những người này từng bắt đầu cuộc sống ở ''miền đất hứa'' như những ''tộc người băng giá'', theo nghiên cứu mới từ Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức) và Đại học Aberdeen (Scotland, Vương quốc Anh).
Một cuộc khai quật tại hang Bacho Kiro - Ảnh: Viện Max Planck
Theo Heritage Daily, các nhà khoa học dã sử dụng bằng chứng trực tiếp từ trầm tích hang Bacho Kiro ở Bulgaria, một trong những nơi trú ngụ đầu tiên của những Homo sapiens khai phá châu Âu, để tái hiện lại thế giới cổ đại.
Lớp trầm tích phong phú này chứa rất nhiều xương, công cụ đá, mặt dây chuyền... và cả những yếu tố phản ánh khi hậu từng thời kỳ.
Khá bất ngờ, các lớp trầm tích cổ xưa nhất lại cho thấy vào thời điểm khai phá vùng này, tổ tiên của chúng ta đã phải đối mặt với một khí hậu cận Bắc Cực vô cùng đáng sợ, chứ không phải khí hậu ôn đới như ngày nay.
Phân tích 179 mẫu trầm tích, họ tính được khoảng 7.000 năm khắc nghiệt đã được ghi lại qua tỉ lệ các đồng vị trong răng động vật tồn lưu trong trầm tích, và cả qua những thứ công cụ mà con người đã sử dụng. Bởi cách mà con người phát minh công cụ sẽ phản ánh những gì họ phải đối mặt vào thời điểm đó, vì phù hợp vào các thực vật và động vật mà họ cần dùng công cụ để xử lý, làm nguồn sống.
Rõ ràng nơi đây khó sống hơn hẳn vùng Levant trù phú ở Đông Địa Trung Hải - cửa ngõ mà con người đã đặt chân tới khi rời châu Phi. Như vậy, lý thuyết con người di cư để tìm kiếm nơi ấm áp hơn mà sinh sống đã bị lung lay.
Sự lạnh giá của vùng Bacho Kiro được so sánh với những nơi lạnh nhất của bán đảo Scandinavia - Bắc Âu ngày nay, tức vùng khí hậu cận Bắc Cực. "Những hiểu biết mới này đòi hỏi xây dựng các mô hình mới về sự lan rộng của loài chúng ta trên khắp lục địa Á-Âu, phải tính đến mức độ cao hơn của tính linh hoạt về thích nghi khí hậu"" - tác gỉ chính Sarah Pederzani từ Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck, kết luận.
Bình luận (0)