Đã có nhiều bằng chứng cho thấy khoảng thời gian từ 122 triệu đến 90 triệu năm trước là thời đại "hỏa ngục" của Trái Đất khi hàng loạt siêu núi lửa liên tục trỗi dậy, gây ra sự tuyệt chủng cho vô số sinh vật.
Dấu vết của "băng chuyền magma" cổ đại được xác định ở Ấn Độ Dương - Ảnh: TRUNG TÂM DỮ LIỆU ĐỊA LÝ QUỐC GIA
Đó là khi đáy biển bất ngờ thay đổi và hình thành những "kênh" đặc biệt, nơi magma – tức đá nóng chảy đáng sợ dưới lòng đất – có thể chảy tự do và kích hoạt các núi lửa. Thông thường những dòng chảy này chỉ hình thành và hoạt động khoảng 1-5 triệu năm. Nhưng một cái gì đó ghê gớm hơn đã khiến Trái Đất trở nên khủng khiếp trong suốt 32 triệu năm.
Công trình dẫn đầu bởi tiến sĩ địa chất học Quiang Jiang từ Đại học Curtin (Úc) đã tìm thấy bình nguyên Kerguelen, một cấu trúc đá nóng chảy khổng lồ (LIP) nằm ẩn bên dưới Ấn Độ Dương và kết nối với hàng loạt siêu núi lửa cổ đại. Trong 30 triệu năm hoạt động dữ dội, toàn bộ khu vực đã tăng độ cao khoảng 20 cm mỗi năm và phát triển đến kích thước gấp 3 lần Nhật Bản. Dung nham nó giải phóng mỗi năm đủ lấp đầy 184.000 bể bơi Olympic.
Gọi là băng chuyền magma bởi đá nóng chảy xuất phát từ vùng sâu bên dưới lớp phủ của Trái Đất. Phải cần những kênh nối giữa lớp phủ và mặt đất như thế này thì vật liệu đáng sợ đó có cơ hội thoát ra ngoài với số lượng lớn.
Chưa rõ vì sao 90 triệu năm về trước hoạt động của nó bị chựng lại, nhưng việc theo dõi các LIP tương tự có thể giúp các nhà khoa học dự đoán mô hình khí hậu sắp tới cũng như tìm hiểu nguy cơ về các cuộc đại tuyệt chủng trong tương lai. Điều này cũng đặc biệt ý nghĩa trong nghiên cứu về các hành tinh khác, cách mà dòng chảy magma của chúng vận hành và tác động đến thế giới bên trên cũng như khả năng phát sinh và nuôi dưỡng sự sống.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geology.
Bình luận (0)