Nghiên cứu mới do Đại học Cambridge (Anh) dẫn đầu đã tìm thấy bằng chứng quý giá được lưu giữ trong thành phần hóa học của các loại đá cổ từ Greenland về thời kỳ Trái Đất còn là một quả cầu đầy magma.
Siêu đại dương chưa từng biết này từng bao phủ Trái Đất sơ khai - Ảnh: THE CONVERSATION
Theo bài công bố trên Science Advances, magma - tức đá nóng chảy - vài tỉ năm trước không chỉ bị ẩn giấu dưới lòng đất và thỉnh thoảng phun trào như ngày nay, mà ngập đầy trên một siêu đại dương, có thể bao phủ toàn cầu. Đại dương này sâu đến hàng trăm km. Chính sự nguội lạnh dần và kết tinh của đại dương magma này đã đóng vai trò cốt lõi trong quá trình "lắp ráp cấu trúc" của hành tinh và cả sự hình thành bầu khí quyển sơ khai.
Sci-Tech Daily cho biết nơi tìm thấy dấu vết về đại dương cổ đại này chính là khu vực "vành đai siêu lớp Isua trên đảo Greenland băng giá. Thoạt nhìn, vành đai siêu lớp Isua giống như vùng đá bazan hieejnd dại, nhưng quá trình phân tích cho thấy nó là loại đá lâu đời nhất từng được tìm thấy - 3,6 tỉ năm tuổi.
Tiến sĩ Helen William từ khoa Khoa học Trái Đất của Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đá ở khu vực này chứa tàn tích một số tinh thể bị bỏ lại khi đại dương magma nguội đi, một số đồng vị hiếm của hafnium và neodymium... Đá ở đây được trộn lẫn với các vật liệu từ tận ranh giới sâu lõi - lớp phủ, đã được đưa lên tận mặt đất trong giai đoạn sơ khai của hành tinh dưới dạng magma, góp phần vào siêu đại dương "hỏa ngục".
Sau quá trình địa chất đầy hỗn loạn này, Trái Đất đã nguội dần đi và dần tạo được lớp vỏ và các lớp cấu trúc ổn định hơn, những "mầm sự sống", vốn đã tồn tại ngay trên các tảng đá cổ này, có cơ hội phát triển.
Bình luận (0)