Một nghiên cứu vừa công bố trên Geophysical Research Letters cho rằng những đốm màu bí ẩn - cấu trúc lớn nhất và kỳ lạ nhất của Trái Đất, ẩn mình ở nơi dưới cùng của lớp phủ hành tinh – chính là mảnh vỡ của "hành tinh Theia" huyền thoại.
Những đốm màu kỳ lạ bằng đá giàu sắt khổng lồ (đỏ và xanh) được tìm thấy bên trong Trái Đất - Ảnh: Geochemistry, Geophysics, Geosystems
Theia là cái tên giới khoa học đặt cho một hành tinh giả thuyết, to cỡ Sao Hỏa, từng đâm vào Trái Đất, tác động mạnh mẽ đến nỗi làm văng ra một khối đá bụi lớn, sau này tụ lại thành mặt trăng. Trong thần thoại Hy Lạp, Theia cũng chính là mẹ của nữ thần mặt trăng Selene. Nhưng phần còn lại của hành tinh Theia đi đâu, chưa ai rõ.
Theo nhóm tác giả từ Đại học Bang Arizona (Mỹ), Theia đã thực sự hợp nhất với Trái Đất vào thời điểm đó, và những đốm màu bằng đá khổng lồ chúng ta quan sát được chính là một mảnh vỡ cổ xưa có nguồn gốc từ lớp phủ giàu sắt của Theia.
Lớp phủ của Theia có thể có mật độ dày hơn vài phần trăm so với lớp phủ của Trái Đất, khiến nó từ từ chìm xuống tận đáy của lớp phủ Trái Đất khi rơi vào một Trái Đất non trẻ đang có các hoạt động địa chất sôi động. Lớp phủ chính là lớp nằm giữa lớp vỏ và lõi Trái Đất.
Hành tinh Theia đâm vào Trái Đất - Ảnh đồ họa: NASA/JPL-CALTECH
Theo Science Alert, 2 trong số các đốm màu khổng lồ này được chôn vùi bên dưới châu Phi và Thái Bình Dương, gây ra một số tác động ghi nhận được trên Trái Đất, có thể là do thành phần giàu sắt của chúng, ví dụ như Dị thường Nam Đại Tây Dương, tức một vùng bí ẩn mà từ trường Trái Đất yếu hơn mọi nơi khác rất nhiều.
Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây chỉ ra các dấu hiệu hóa học gắn liền các đốm màu bí ẩn với một tác động ngoài hành tinh nguyên thủy.
Bình luận (0)