Các nhà khoa học từ Đại học Havard (Mỹ) và cơ quan chuyên nghiên cứu về lỗ đen Black Hole Initiative (BHI) đã phát triển một phương pháp để tìm ra các lỗ đen… ngay trong Hệ Mặt Trời. Đối tượng đầu tiên họ nhắm đến chính là "hành tinh thứ 9" ma quái, dường như không thể nắm bắt ở khu vực rìa Hệ Mặt Trời, vì họ tin rằng đó là một lỗ đen.
Ảnh đồ họa mô tả một lỗ đen đang ngấu nghiến vật chất ở khu vực rìa Hệ Mặt Trời - ảnh: M. Weiss
Công cụ truy tìm của nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Avi Loeb và giáo sư Frank B. Baird Jr. là một chương trình mang tên "Khảo sát di sản không gian và thời gian" (LSST). LSST sẽ quan sát các ngọn lửa bồi tụ do lỗ đen tác động lên các vật thể nhỏ của Đám mây tinh vân Oort nằm ở biên giới giữa Hệ Mặt Trời và không gian giữa các vì sao, từ đó xác định sự tồn tại, vị trí và sức mạnh của lỗ đen.
Nhiều nghiên cứu trước đó đã chứng minh được sự tồn tại của một vật thể mang lực hấp dẫn mạnh mẽ ẩn nấp đâu đó trong vùng tối xa Mặt Trời. Nó tương tác lên rất nhiều vật thể không gian xung quanh, điều đã được ghi nhận qua các phương tiện quan sát. Sự tương tác này thường là dấu hiệu của một hành tinh tồn tại gần đó, nhưng cho đến nay, "hành tinh thứ 9" vẫn cứ như một bóng ma, vẫn "nghịch ngợm" những thứ xung quanh đó nhưng không bao giờ lộ mặt.
Lực hấp dẫn của vật thể bí ẩn đó rất mạnh. Trước đây các nhà khoa học tin rằng thuộc về một hành tinh rất lớn, mà theo tính toán của Viện Công nghệ California (Mỹ) sẽ có kích thước gấp 4 lần và trọng lượng gấp 10 lần Trái Đất. Nhưng lỗ đen lại là một trong những vật thể mạnh nhất vũ trụ. Vì vậy, để có sức mạnh tương đương hành tinh thứ 9 giả tưởng, lỗ đen sẽ to cỡ... quả bưởi.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.
Bình luận (0)