Nhiều người sẽ không nhìn thấy được nếu không có kính cận. Ảnh: PopSci
Cận thị có thể được khắc phục dễ dàng bằng cách đeo kính, kính áp tròng hoặc phẫu thuật nhưng người bị cận thị vẫn có nguy cơ mắc các bệnh về mắt nghiêm trọng như tăng nhãn áp, bong võng mạc và đục thủy tinh thể. Hiện nay, các nhà khoa học cho rằng họ đã hiểu được lý do cận thị lại trở nên phổ biến như vậy: Đó là những người trẻ có xu hướng dành quá nhiều thời gian để ở trong nhà!
Các nghiên cứu giữa các cặp sinh đôi vào thập niên 1960 cho thấy ADN ảnh hưởng đến bệnh cận thị. Tuy nhiên, thông tin từ 400 năm trước lại chỉ ra rằng gien không phải là nguyên nhân duy nhất. Nhà thiên văn học Johannes Kepler nghĩ rằng tầm nhìn của mình kém đi là do để sách quá gần mắt trong thời gian dài.
Nhiều nghiên cứu mới đây cũng chứng thực giả thuyết của Kepler: Sự gia tăng cận thị tỉ lệ thuận với việc chú trọng hơn vào giáo dục, đặc biệt là ở Đông Á. Ở Trung Quốc, gần 90% thanh thiếu niên và người trưởng thành bị cận thị (so với 10-20% vào 60 năm trước). Các học sinh 15 tuổi ở Thượng Hải dành 14 tiếng mỗi tuần để làm bài tập về nhà.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu người Đức nhận thấy những học sinh dành nhiều thời gian học ở trường sẽ có tỉ lệ mắc cận thị cao hơn so với các học sinh có thành tích kém.
Các chuyên gia về cận thị vẫn chưa tìm ra biện pháp để làm giảm mức độ của “đại dịch” này. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu người Úc nhận thấy trẻ em có thể duy trì thị lực tốt bằng cách dành 3 tiếng mỗi ngày với cường độ ánh sáng 10.000 lux hoặc hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng những đứa trẻ dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời sẽ duy trì thị lực tốt lâu hơn, cộng với các hoạt động thể chất có thể ngăn ngừa bệnh béo phì và cải thiện tâm trạng.
Ý thức được điều này, nhiều quốc gia Đông Á bắt đầu các chiến dịch sức khỏe cộng đồng được thiết kế để tạo điều kiện cho trẻ em hoạt động ngoài trời nhiều hơn.
Bình luận (0)