Sứ mệnh Hayabusa-2 của JAXA (Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản) đã đem về Trái Đát một báu vật thật sự: mẫu vật chất kỳ lạ, chỉ phản xạ 2% ánh sáng được chiếu vào nên hầu như tối hơn bất kỳ vật chất nào trên Trái Đất.
Theo tiến sĩ Tory Yada từ Viện Khoa học không gian và du hành vũ trụ của JAXA, một trong các nhà khoa học tham gia phân tích "vật chất bóng đêm", nó có độ xốp cao, tận 46%, lớn hơn bất kỳ thiên thạch nào từng được nghiên cứu.
Mẫu vật chất bóng đêm đặc biệt từ Ryugu - Ảnh: JAXA
Trong khi đó, tiến sĩ Cédric Pilorget từ Viện Vật lý thiên văn Spatiale (Đại học Paris - Saclay, Pháp), đồng tác giả thì cho biết họ đã xác định thành phần mẫu bằng kính hiển vi đặc biệt có thể thu được hình ảnh ở các bước sóng ánh sáng khác nhau trong quang phổ nhìn thấy được và quang phổ hồng ngoại.
Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu xác định được thứ chủ yếu cấu tạo nên mẫu vật là một chất nền ngậm nước, giống đất sét với rất nhiều dạng chất hữu cơ được "nhúng" vào. Một số bộ phận riêng lẻ bám trên mẫu vật lại bằng thứ vật chất khác như cacbonat hay vật chất dễ bay hơi.
Điều này cho thấy cấu tạo vi mô không đồng nhất của Ryugu: nó là một thiên thể phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩa trước đây. Chủ yếu nó vẫn là một thiên thạch chrondrite carbon, nhưng tối hơn, xốp hơn, dễ vỡ hơn.
Đây là phát hiện rất thú vị vì Ryugu là một tiểu hành tinh cổ đại, có từ buổi sơ khai của hệ Mặt Trời. Thành phần của nó có thể phản ánh những vật chất cơ bản đã tạo nên các hành tinh, cũng như chất hữu cơ trong đó có thể chính là các hạt mầm đầu tiên cho sự sống Trái Đất.
Ryugu lấy tên từ Cung Điện Rồng, một thủy cung trong truyện dân gian Nhật Bản. Đó là một tiểu hành tinh gần Trái Đất loại C, được phát hiện tháng 5-1999. Ryugu có đường kính khoảng 900 mét và quay quanh Mặt Trời với quỹ đạo elip 474 ngày, cách Mặt Trời từ 0,96 đến 141 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn bằng khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất).
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Astronomy.
Bình luận (0)