xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tết bắt đầu từ tiếng sấm

Hải Vũ

Tỉnh Nghệ An đề nghị công nhận Lễ hội đón tiếng sấm đầu tiên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cách trung tâm TP Vinh hơn 200 km, bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là nơi cộng đồng người dân tộc Ơ Đu sinh sống. Đây là một trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam với dân số gần 400 người.

Tết bắt đầu từ tiếng sấm - Ảnh 1.

Già làng đang chuẩn bị Lễ cúng mừng tiếng sấm đầu tiên trong năm mới của người Ơ Đu

Tết bắt đầu từ tiếng sấm - Ảnh 2.

Những cụ già người Ơ Đu luôn thân thiện, hòa đồng tại bản Văng Môn, xã Nga MyẢnh: Văn Tứ

Bản nằm ở lưng chừng núi. Vừa tới đầu bản đã nghe tiếng nhạc xập xình, nhiều người vui vẻ dắt tay nhau đi trên đường. Hôm đó, trong bản có đôi trẻ lên xe hoa nên người dân tập trung đến ăn uống, nhảy múa. Thấy khách lạ, bà Lo Thị Hoa (SN 1943) niềm nở mời khách ghé đám cưới, uống rượu cần.

bà Hoa kể rằng ngày lễ vui nhất trong năm đối với người Ơ Đu là Tết mừng tiếng sấm đầu tiên (Tết Chăm Phtrong), thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch hằng năm. Tết không diễn ra vào một thời gian cố định mà còn phụ thuộc vào thời khắc trên trời xuất hiện tiếng sấm đầu tiên của năm. Theo già làng Lo Văn Cường, ngày xưa không có lịch như bây giờ. Để phân biệt thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới, người Ơ Đu thường căn cứ vào tiếng sấm. Mọi người trong bản đều mong đợi đến thời khắc quan trọng này.

Đồ cúng lễ Tết mừng tiếng sấm đầu tiên năm mới như xôi, gà, cá, rượu cần… đều được các gia đình chuẩn bị sẵn. Khi nghe tiếng sấm đầu tiên, cả bản kéo nhau tập trung ra nhà văn hóa cộng đồng tổ chức đón năm mới. Tết mừng tiếng sấm gồm 2 phần: Phần thứ nhất là nghi lễ. Sau khi người dân tập trung ra nhà văn hóa cộng đồng, chủ lễ là già làng sẽ đọc lời khấn cầu thần sấm đem đến nguồn nước cho bà con sinh sống và trồng trọt; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu mong một năm mới mọi người có sức khỏe, gặp nhiều may mắn. Sau phần lễ là phần hội, bà con tập trung ăn uống, múa hát, uống rượu cần, chúc nhau những điều may mắn.

Trước đây, Tết mừng tiếng sấm đầu tiên năm mới của người Ơ Đu diễn ra trong nhiều ngày. Những năm gần đây, phần nghi lễ và hội gộp lại thành 1 ngày. Tết Chăm Phtrong của người Ơ Đu rộn ràng bởi tiếng đàn tùng tinh, tiếng trống được làm từ ống nứa, tiếng ống tre gõ vào đất để tạo ra âm thanh như tiếng sấm. Tham gia lễ hội, người dân ngất ngây trong men rượu cần và tham gia các trò chơi dân gian sôi động như bắn nỏ, ném còn, đánh khăng…

Ông Lô Thanh Long - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tương Dương, khẳng định Lễ hội đón tiếng sấm đầu tiên của đồng bào dân tộc Ơ Đu là một lễ hội cổ xưa độc đáo, được lưu giữ qua bao đời. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã lập hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội đón tiếng sấm đầu tiên của người Ơ Đu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người dân tộc Ơ Đu theo tiếng Thái nghĩa là "thương lắm", còn có tên gọi khác là người Tày Hạt. Người Ơ Đu trước đây khá đông đúc, cư trú suốt một vùng rộng lớn dọc theo hai con sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, ở Nghệ An và Lào. Dân tộc Ơ Đu có nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc với ngôn ngữ, chữ viết, trang phục và những phong tục, tập quán riêng.

Do những biến cố trong lịch sử, số lượng người Ơ Đu giảm dần. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Ơ Đu ở Việt Nam chỉ còn 376 người. Còn theo thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng, hiện tại người Ơ Đu chủ yếu sống ở huyện Tương Dương. Trong đó, xã Nga My có 334 người, các thị trấn và các xã khác có 49 người.

Trước đây, người Ơ Đu chủ yếu sống rải rác trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Từ năm 2006, các hộ người dân tộc Ơ Đu được chuyển về nơi ở mới tại bản Văng Môn, xã Nga My. Hiện tại ở bản Văng Môn có 99 hộ với trên 350 người Ơ Đu sinh sống.

Cuộc sống tại bản Văng Môn đang đổi thay từng ngày. Các con đường nhỏ dọc theo bản được đổ bê-tông. Hai bên đường, nhiều nhà 2 tầng xây dựng bằng gạch, gỗ khang trang. Trong khuôn viên của các gia đình, nhiều chuồng nuôi bò kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng từ dự án hỗ trợ phát triển người Ơ Đu.

Anh Lo May Khiên (SN 1984) tâm sự: "Nhà tôi trước đây ở xã Kim Đa, năm 2006 thì chuyển về định cư ở bản Văng Môn. Về nơi ở mới có đất sản xuất, chăn nuôi nên đời sống ổn định, con cái có điều kiện đến trường".

Ông Lương Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My, cho biết từ khi chuyển về sống tại bản Văng Môn. Nhiều nhà có của ăn, của để, xây dựng nhà kiên cố, mua sắm vật dụng có giá trị. Ngày càng có nhiều con em người Ơ Đu đi học đại học, cao đẳng.

Tại bản Văng Môn, người Ơ Đu sống rất đoàn kết, hòa đồng với những cộng đồng dân tộc khác như người Thái, người Kinh. "Người Ơ Đu rất thân thiện, không còn những mặc cảm, tự ti như trước nữa" - ông Dũng chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo