Vệ tinh F-1 (ở giữa) đã được thả thành công khỏi ISS bằng cánh tay robot.
Vào lúc 21h giờ 35, hai vệ tinh We Wish và Raiko đã được thả ra từ cơ cấu phóng số 1, do phi hành gia Akihiko Hoshide điều khiển cánh tay robot. Tốc độ thả hai vệ tinh này rất nhanh và khó có thể quan sát bằng mắt.
Đến 22 giờ 45, ba vệ tinh nhỏ là TechEdSat, F-1 và FITSAT-1 đã được lần lượt thả ra từ cơ cấu phóng số 2 do trạm mặt đất Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) điều khiển cánh tay robot.
Ba vệ tinh nhỏ được thả ra đồng thời, vệ tinh F-1 nằm ở vị trí thứ hai. Toàn bộ quá trình thả các vệ tinh nhỏ được thực hiện nhanh và thành công. F-1 đã ra ngoài quỹ đạo an toàn sau gần 4 năm chờ đợi.
Với tốc độ dự kiến 5 cm/s sau khi được thả ra, F-1 phải chờ tối thiểu 30 phút mới bắt đầu thực hiện các công việc đầu tiên trong nhiệm vụ của mình như bung ăngten, phát tín hiệu beacon… để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên trạm ISS.
Theo kế hoạch, ngày 5-10, FSpace có thể thu được tín hiệu từ vệ tinh F-1.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Nhiệm vụ của của F-1 là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Dự án chế tạo vệ tinh F-1 được khởi động từ 4 năm trước, nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của FPT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Vũ trụ Quốc tế (IAF), Văn phòng các vấn đề vũ trụ Liên hợp quốc (UNOOSA) cũng như nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Sự kiện F-1 được phóng lên vũ trụ sẽ ghi thêm một dấu mốc cho ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ còn non trẻ của Việt Nam, chứng tỏ năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong nước có thể từng bước làm chủ quy trình công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng đất nước.
Bình luận (0)