Tại chương trình talkshow - tư vấn trực tuyến chủ đề "Điểm chuẩn và cơ hội trúng tuyển bổ sung" do Báo Người Lao Động tổ chức vào ngày 22-8, các chuyên gia đã giải thích vì sao điểm chuẩn tăng cao, đồng thời gợi ý các hướng đi khác cho các bạn không trúng tuyển vào đại học đợt 1.
Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có thể thấy một số ngành học đã có mức điểm chuẩn tăng cao như khối ngành sư phạm, báo chí – truyền thông, một số ngành về lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật máy tính... Trong số đó, có trường hợp 29 điểm vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1.
Theo các chuyên gia, có 2 lý do chính dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên, có thể thấy là phổ điểm thi cao năm nay cao, đặc biệt là phổ điểm nhóm ngành xã hội. Chính vì có sự tăng cao như thế đã dẫn đến việc các trường ĐH lấy mức điểm đầu vào cao. Nguyên nhân thứ hai là thí sinh được nhận bằng các phương thức xét tuyển sớm chiếm tỷ lệ nhất định. Phương thức xét tuyển sớm này đã giúp thí sinh và trường giảm áp lực, tuy nhiên việc này khiến chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm đi.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết thêm chất lượng thí sinh đăng ký vào các ngành kỹ thuật công nghệ năm nay rất tốt. Có thể thấy rằng khối ngành kỹ thuật đã lấy lại phong độ của mình. Điều này chứng minh thí sinh nhạy bén và cập nhật thị trường lao động tốt.
ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Những ngày "hot" như truyền thông, báo chí được nhiều phụ huynh và thí sinh quan tâm. Số lượng đăng ký bùng nổ nên việc xét tuyển vào cũng phải chọn lọc, các trường phải xét tuyển từ cao xuống thấp. Việc này khiến tỉ lệ chọi vào những ngành này khá khắc nghiệt".
ThS Trung cho biết thêm, sinh viên không nên chọn những ngành "hot" nếu như không thực sự yêu thích để tránh mất thời gian học tập. Hiện tại, một số trường ĐH vẫn đang xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể xem xét để chuyển đổi nguyện vọng phù hợp.
Bình luận (0)