Vừa chính thức đóng lại mảng kinh doanh sàn thương mại điện tử để tái khởi nghiệp lĩnh vực gia công phần mềm và tư vấn giải pháp phần mềm từ cuối năm 2021, anh Lê Thanh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH TSIM, lạc quan trước những cơ hội mới.
Bình tĩnh thích nghi
"Doanh nghiệp (DN) nhỏ, mới tham gia lĩnh vực gia công phần mềm và tư vấn giải pháp phần mềm chưa lâu nên còn rất nhiều khó khăn phía trước. Dù vậy, TSIM tự tin khi Chính phủ xác định kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới và tập trung phát triển kinh tế số sẽ mang lại rất nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển cho công ty" - anh Lê Thanh Dũng bộc bạch.
Thành công bước đầu với vài dự án nhỏ làm với đối tác nước ngoài, TSIM đang tích cực tiếp cận, tìm cơ hội hợp tác với những khách hàng lớn. Theo CEO Lê Thanh Dũng, kinh tế thế giới đang suy thoái, nhiều công ty, tập đoàn công nghệ sa thải nhân viên hàng loạt nên các DN công nghệ tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Chưa kể, cạnh tranh trong lĩnh vực gia công phần mềm và tư vấn giải pháp phát triển phần mềm rất gay gắt cũng là thách thức lớn với DN.
"Chúng tôi có 1 dự án với 1 sàn thương mại điện tử lớn ở Áo chưa kịp triển khai đã phải tạm ngưng do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, khả năng đến năm 2024 mới có thể tái khởi động. Lợi thế của DN hoạt động lĩnh vực này là không đòi hỏi phải có vốn lớn, mặt bằng hoạt động…, chỉ cần nguồn vốn nhỏ để duy trì hoạt động cơ bản; khi tìm được nhiều đối tác, thuyết phục họ tin tưởng giao dự án thì sẽ phát triển được. TSIM đã phát triển được một số đối tác chiến lược ở châu Âu, Mỹ và đang nỗ lực tìm thêm khách hàng, bổ sung nhân sự để sẵn sàng cho những dự án lớn hơn" - anh Lê Thanh Dũng tiết lộ.
Với start-up trẻ này, giai đoạn "ngủ đông tạm thời" của thị trường chung là cơ hội để công ty củng cố nền tảng, nội lực và trau dồi các kỹ năng kết nối, thuyết phục khách hàng. Anh Lê Thanh Dũng cho biết: "Chúng tôi cũng đang ấp ủ một số dự án riêng, nếu suôn sẻ thì sẽ triển khai và tiến hành các bước gọi vốn, mời gọi nhà đầu tư trong nước hoặc quốc tế đồng hành".
Thực tế cho thấy các start-up vượt qua những thách thức của 2 năm đại dịch COVID-19 đã ít nhiều trưởng thành, vững vàng nên đủ tự tin bước vào thời kỳ hồi phục. Dù dự báo xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vẫn rõ nét nhưng anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (thương hiệu mật dừa nước Ông Sáu), khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là cây dừa nước huyện Cần Giờ, TP HCM - vẫn khá tự tin.
"Là công ty khởi nghiệp, khai phá thị trường mới với phân khúc các sản phẩm từ tự nhiên, tốt cho sức khỏe nên "miếng bánh" còn lớn. Chúng tôi vừa mở thêm "trạm dừa nước - Vietnipa station" phục vụ các thức uống sử dụng nguyên liệu từ cây dừa nước và mật dừa nước thay thế đường tinh luyện, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn rất ngon miệng, để giới thiệu đến khách hàng. Chúng tôi đang hoàn thiện mô hình, tối ưu hóa vận hành và tiến đến mở chuỗi cửa hàng" - anh Phan Minh Tiến nêu kế hoạch.
Năm nay, mật dừa nước Ông Sáu tiếp tục phát triển gắn với du lịch địa phương và kết hợp cùng các công ty khởi nghiệp liên quan để cùng phát triển. "Công ty kết hợp với 1 thương hiệu cà phê sạch, 1 thương hiệu ngũ cốc ăn kiêng để tạo ra sản phẩm mới có vị ngọt nhưng chỉ số đường huyết thấp nhờ sử dụng mật dừa nước Ông Sáu" - anh Phan Minh Tiến dẫn chứng.
“Mật dừa nước Ông Sáu” giới thiệu các thức uống từ sản phẩm cây dừa nước Ảnh: Ngọc Ánh
Khai phá những tiềm năng mới
Nhìn vào bức tranh khởi nghiệp chung, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN Khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận xét trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hậu COVID-19, các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn luôn đánh giá cao mức độ năng động bắt kịp những cái mới, sức trẻ, trí tuệ của Việt Nam.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, giai đoạn này start-up Việt cần ra nước ngoài nhiều hơn để biết được nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó vừa phát triển thị trường trong nước vừa mở rộng mô hình kinh doanh gắn với thị trường quốc tế. "Kể cả DN sản xuất nông sản, đặc sản địa phương cũng phải có khả năng xuất khẩu, tiếp cận thị trường quốc tế hoặc đi cùng với du lịch, hấp dẫn được cả khách quốc tế hay có khả năng mang ra thị trường nước ngoài" - ông Phạm Hồng Quất nêu ví dụ.
Tại TP HCM, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), cho biết năm nay, BSA sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp nông nghiệp với điểm mới là phần thi về sáng tạo nội dung để tiếp thị sản phẩm trên các nền tảng số như: Facebook, TikTok… theo xu hướng mới. Cũng trong năm nay, BSA sẽ ra mắt "CLB doanh nông trẻ - khởi nghiệp xanh", tập hợp các chủ DN đã tham gia thi khởi nghiệp và đồng hành với các dự án của BSA.
"Chúng tôi mong muốn chính các doanh nông trẻ sẽ lên kế hoạch hoạt động phù hợp với nhu cầu của chính mình. Việc kết nối các dự án khởi nghiệp với nhau cũng mở ra cơ hội hợp tác cũng như chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong kinh doanh. Các hoạt động sẽ hướng tới việc xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kênh tiêu thụ cũng như xây dựng thương hiệu cho dự án khởi nghiệp" - Phó Giám đốc BSA nhìn nhận.
Đừng để "chết vì hoành tráng"
Ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - người đỡ đầu cho nhiều start-up, đánh giá lĩnh vực nông nghiệp hiện còn rất nhiều tiềm năng khởi nghiệp.
"Các start-up thường "chết vì hoành tráng" khi chi tiền quá nhiều để đầu tư ban đầu. Để thành công, start-up nên đầu tư tối đa thời gian và tối thiểu tiền bạc vào dự án. Cần xác định đâu là lợi thế của mình và tập trung cho lợi thế đó, tránh việc nản chí bỏ cuộc giữa chừng. Một điều rất quan trọng là ngay từ đầu, chủ DN khởi nghiệp phải chú ý việc xây dựng thương hiệu cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp - nếu không thì rất khó bán hàng" - Phó Chủ tịch AFT nhấn mạnh.
Bình luận (0)