2 tháng nay, ngày nào anh Nguyễn Đình Phúc (tài xế giao hàng của Ahamove) làm việc từ 8 giờ sáng đến 22 giờ, kể cả ngày Chủ Nhật để có tiền gửi về quê cho vợ con lo Tết. Vợ chồng anh Phúc trước đây cùng là công nhân làm việc tại quận 8, tuy nhiên thời điểm dịch, công ty khó khăn, không có đơn hàng nhiều tháng, anh chị quyết định nghỉ việc về quê. Sau đó nửa năm, anh Phúc trở lại TP HCM nhưng không tiếp tục làm việc trong nhà máy vì các công ty đưa ra mức lương khởi điểm quá thấp, không đủ lo cho gia đình 4 người.
Anh quyết định chuyển sang làm tài xế giao hàng qua app. Bình thường mỗi ngày nếu cố gắng chạy anh sẽ kiếm được khoảng 350.000 - 400.000 đồng. Mỗi tháng trừ chi phí nhà trọ, ăn uống anh gửi về quê cho vợ khoảng 7 triệu đồng để lo cho 2 con. Thế nhưng gần Tết thì chi phí phát sinh nhiều hơn, không chỉ mua sắm cho các con, bánh kẹo Tết, biếu Tết cho ông bà nội ngoại, lì xì cho con cháu… Làm việc tự do nên không trông mong gì thưởng Tết, anh chỉ có thể tự lo. Vì vậy, anh phải kéo dài thời gian làm việc để tăng thu nhập. Anh Phúc nói: "Trước đây, làm việc cả tuần, tôi sẽ dành ra buổi sáng chủ nhật để nghỉ ngơi nhưng nay tôi không dám nghỉ ngày nào"
Nhà neo người nên năm nào, gia đình ông Nguyễn Văn Thiện (62 tuổi, tài xế xe ôm truyền thống tại quận 6) cũng ăn Tết rất đơn giản. Dù vậy, những tháng trước Tết, ông cũng dốc sức làm việc, kéo dài thời gian làm việc để tăng thu nhập.
Ông Thiện chạy xe ôm từ 15 năm trước, điểm bắt khách cố định của ông tại khu vực chợ Bình Tây (quận 6). Vợ mất sớm, một mình ông bươn chải nuôi 2 con suốt gần 20 năm. Vài năm trước, người con lớn đã có gia đình ra ở riêng, người con út vừa xin được việc, có thể tự lo cho cuộc sống, ông mới bớt vất vả.
Theo ông Thiện, chạy xe ôm truyền thống ngày càng khó sống, càng lớn tuổi thì rủi ro càng nhiều mà thu nhập thấp. Mỗi ngày, thời gian làm việc kéo dài suốt 10 giờ nhưng cũng chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng. Khoản tiền đó, ông dành ra khoảng 70.000 đồng để đóng tiền trọ, còn lại chi tiêu ăn uống, đổ xăng. Làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, không có tiền tích lũy nên cứ đến gần Tết là ông lại lo. "Dù ăn Tết đơn giản lại có phần quà Tết từ Nghiệp đoàn nhưng tôi cũng muốn cố gắng lo Tết cho hai cha con một cách tươm tất. Vì vậy, cứ gần Tết là tôi chạy xe nhiều hơn, đi sớm về khuya hơn ngày thường để kiếm thêm thu nhập"- ông Thiện nói.
Tương tự, sống một mình nên bà Nguyễn Ngọc Ánh (quận 8, TP HCM) thường ăn Tết rất tiết kiệm. Bà Ánh đã ngoài 70 tuổi, sống nhờ vào việc làm bánh ít cho khách sỉ. Tuy nhiên công việc không đều, có khi cả tuần chỉ làm 1-2 lần, số lượng cũng không cố định. Với khoản tiền ít ỏi đó, bà dành một khoản để lo thuốc thang, điện nước, còn lại thì chi tiêu ăn uống. Bà kể, là người già neo đơn nên Tết nhất, bà được chính quyền địa phương hỗ trợ quà Tết, gạo. "Tuy nhiên những ngày Tết ít người gọi làm bánh nên tôi giờ cũng phải chi tiêu thật dè sẻn để có thể dành ra sẵn một khoản phòng hờ và lo các chi phí cố định như điện, nước"- bà Ánh tâm sự
Bình luận (0)