Từ thực tiễn việc hồi hương cổ vật trong những năm gần đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Dự thảo luật đã có những quy định về việc mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa nhằm tạo hành lang pháp lý để có thêm cổ vật...
Xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của chủ sở hữu
Chiều 16-11-2023, buổi lễ chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, trước sự chứng kiến của đoàn công tác liên ngành do Bộ VH-TT-DL chủ trì.
Ông Nguyễn Thế Hồng - người sưu tầm di sản văn hóa, chủ nhân Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) - đã chi 6,1 triệu euro (hơn 153 tỉ đồng) mua ấn, với sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam. Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sau khi hồi hương từ Pháp được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Như vậy, tròn một năm kể từ ngày thông tin "Hoàng đế chi bảo" được đưa ra đấu giá tại Pháp, chiếc ấn quý của triều Nguyễn đã chính thức trở về quê hương với hành trình rất gian nan.
Sau ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", tượng đồng "Nữ thần Durga" mới đây cũng đã hồi hương, được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị cổ vật.
Trước đó, vào tháng 8-2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin với Bộ VH-TT-DL về việc Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa Mỹ phối hợp cùng Cảnh sát London - Anh tịch thu tượng đồng "Nữ thần Durga" 4 tay có nguồn gốc Việt Nam từ một vụ điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp. Họ đề xuất trao trả cổ vật này về Việt Nam...
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách. Trong đó, dự thảo luật quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với Di sản văn hóa nhằm xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết theo dự thảo luật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản. Dự thảo luật chỉ cấm kinh doanh, mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của các luật: Doanh nghiệp, Đầu tư và Thương mại; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản ra nước ngoài.
Cần chiến lược "hồi hương" cổ vật
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu khi thảo luận đã nhất trí cao về việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc gìn giữ và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội), hoạt động kinh doanh di vật, cổ vật diễn ra rất phổ biến nhưng rất khó kiểm soát. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc quản lý cần được coi trọng để tránh cổ vật, bảo vật… bị thất thoát, bán ra nước ngoài. Ông nêu chuyện Việt Nam phải mua lại "Hoàng đế chi bảo" bị đấu giá ở Pháp khiến dư luận thắc mắc.
"Chúng ta xem các bảo vật này là có một không hai nhưng khi nước ngoài bán đấu giá, buộc chúng ta phải mua lại với giá cao. Do đó, việc quản lý bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, riêng cần phải quy định rạch ròi, cụ thể để không làm thất thoát hay lọt ra nước ngoài" - ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, số lượng bảo vật quốc gia của Việt Nam chỉ còn "đếm trên đầu ngón tay". Vì vậy, ông đề nghị bảo vật nào thuộc sở hữu tư nhân thì phải đăng ký để quản lý; người sở hữu phải có trách nhiệm bảo quản, không để hư hao, thất thoát. Nếu bảo vật mất phải báo cơ quan chức năng truy tìm. "Chỉ được bán cổ vật ở phạm vi trong nước, có địa chỉ cụ thể để cơ quan chức năng có đầu mối quản lý; tuyệt đối không được bán ra nước ngoài" - ông đề xuất.
Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) đánh giá dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều điểm mới trong việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để phù hợp với thực tiễn; hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa và phù hợp với công ước của UNESCO.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhận xét việc quy định tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan chức năng nơi thường trú là hết sức cần thiết. Qua đó, có thể quản lý, nhận diện di vật, cổ vật qua mã số, hình thành bộ dữ liệu di sản; quản lý việc trao đổi, mua bán và ngăn ngừa di vật, cổ vật trong các di tích, chùa chiền bị đánh cắp, cũng như ngăn chặn nạn "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài.
Thượng tọa Thích Đức Thiện kiến nghị: "Cần quy định mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ giữa việc đăng ký với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày di vật, cổ vật đã được đăng ký. Có như vậy, việc khuyến khích đăng ký mới có hiệu quả".
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Chính phủ cần có chiến lược "hồi hương cổ vật", đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Để khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao bảo vật quốc gia về nước, dự thảo luật cần tính đến việc quy định miễn các loại thuế, phí liên quan. Có như vậy, chúng ta mới thực sự thu hút được nguồn lực cho việc hồi hương cổ vật về nước.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) nhất trí với đề xuất của Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng như các quy định tạo điều kiện thuận lợi để đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Ngoài ra, bà Đông còn cho rằng nên có các quy định đặc thù, đơn giản đối với thủ tục cam kết để được nhận ưu đãi thuế nhập khẩu khi đưa cổ vật, di vật về nước.
Bình luận (0)