Cô tích cực quyên góp quần áo cho bà con vùng sâu vùng xa, thành lập thư viện cho trẻ em, gây quỹ tặng cây xanh… Với nhiều trải nghiệm quý giá, Thủy nhận ra một điều: làm truyền thông cho những dự án cộng đồng không đơn giản. Nhân vật cần được tôn trọng và bảo vệ khi đa số là người yếu thế và trẻ em. Do đó, cần có cách tiếp cận và lan tỏa những câu chuyện mang tính nhân văn thật tinh tế, khéo léo.
Việc thực tập, làm tình nguyện viên hay làm thêm với Thủy là cơ hội quý giá để hoàn thiện bản thân. Không chỉ vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, Thủy cố gắng nâng cao vốn sống bằng cách mở rộng quan hệ xã hội. Cô cũng cải thiện kỹ năng mềm từ làm việc nhóm, thuyết trình, nâng cao chuyên môn quay dựng, lên ý tưởng sáng tạo và xây dựng kịch bản....
Thủy tập cho mình thói quen thiết lập thời gian biểu làm việc một cách chi tiết. Cô hạn chế lên mạng, thay vào đó ưu tiên cọ xát với thực tế. Theo cô, mạng xã hội giúp giới trẻ giao lưu với mọi người song cũng dễ mất đi sự tương tác thực tế. Vài dòng trạng thái, bình luận hay tin nhắn có thể gây ra tổn thương, hiểu lầm. "Sử dụng mạng xã hội đúng cách với thời lượng hợp lý sẽ giúp tập trung năng lượng cho chuyện có ích, từ đó thúc đẩy quá trình nâng cấp bản thân". Cô gái rụt rè ngày nào lên thành phố nhập học giờ đây đã trưởng thành, chín chắn hơn. Thủy kể: "Bên cạnh gia đình và bạn bè là nguồn động lực, thì hạnh phúc của tôi còn đến từ việc biết tin tưởng và công nhận nỗ lực của chính mình".
Trúc Thủy vừa tốt nghiệp đại học ngành quan hệ công chúng với danh hiệu "Sinh viên tiêu biểu trong hoạt động phục vụ cộng đồng toàn khóa học" cùng tấm bằng loại xuất sắc. Cô sẵn sàng cho sự phát triển mạnh mẽ, thích nghi linh hoạt trong chặng đường mới vì với cô: "Việc học vẫn tiếp diễn ngay cả khi cánh cửa lớp học khép lại. Tôi không ngần ngại khám phá bản thân để là phiên bản tốt hơn mỗi ngày".
Bình luận (0)