Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.
Nêu ý kiến thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) dẫn vụ cháy xảy ra tại ngõ Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội làm 14 người tử vong và đề nghị phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy; sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn.
Dẫn thực tế nơi mình công tác, thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) - Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết trong 5 năm gần đây, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định 1.009 vụ để xác định nguyên nhân cháy số vụ việc năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%; cháy chung cư chiếm 4,4%; cháy tại các doanh nghiệp chiếm 19,2%; cháy khác như chợ, tàu, xe, rừng... chiếm 26,9%.
Nguyên nhân có nhiều, chủ yếu kể đến chập mạch điện, dây dẫn điện trong các thiết bị sử dụng điện; do bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, sửa chữa nhà cửa, thiết bị, phương tiện. Từ đó, ĐB Nam đề nghị cần quan tâm thỏa đáng đến công tác tuyên truyền về PCCC; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về phòng cháy, chữa cháy, ở tất cả các khâu, các lĩnh vực như quy hoạch, sản xuất, thiết kế, thi công...; công tác quản lý, sử dụng, vận hành...
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết dự thảo luật đề cao lực lượng tại chỗ khi xảy ra hỏa hoạn nhưng phần lớn khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng tại chỗ còn thiếu tính chuyên nghiệp. "Thực tiễn chúng ta thấy người dân sẵn sàng lao vào đám cháy để cứu người, nhưng họ không có phương tiện, kỹ năng. Người dân lấy búa để đập tường thì khó mà cứu người trong đám cháy. Do đó, sử dụng lực lượng tại chỗ thì phải đầu tư nguồn lực hỗ trợ, tăng cường tập huấn kỹ năng nhiều hơn cho người dân cùng với tăng cường đầu tư mới có thể phát huy được lực lượng tại chỗ" - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Theo ĐB Lê Minh Nam (Hậu Giang), nhiều ĐB đã phân tích, vấn đề cháy thường xảy ra ở khu dân cư ở hoặc các doanh nghiệp , chung cư… tiềm ẩn rủi ro cao. Vì vậy, nên đưa nhóm đối tượng này vào nhóm đối tượng phải quan tâm hơn. Phải đưa ra các quy định kiểm soát ngay từ đầu và làm sao vừa phòng ngừa, hạn chế các vấn đề xảy ra cháy nổ, cũng như bố trí các điều kiện để hạn chế tổn thất nếu xảy ra sự cố".
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng kỹ năng của người dân khi đối phó với tai nạn, hỏa hoạn còn rất yếu. Thậm chí, trong một số vụ cháy có thể thấy rõ người nước ngoài phản ứng rất nhanh nhạy, còn người dân ta, hầu hết bủn rủn, hoảng loạn. Do đó, dự thảo luật phải có các điều khoản giáo dục kỹ năng, ý thức phòng cháy chữa cháy cho người dân. Việc này cần phải làm định kỳ. Hệ thống thông tin tuyên truyền phải được xây dựng thành chuyên đề, thường xuyên cảnh báo vụ cháy, kỹ năng thoát cháy.
"Giáo dục kỹ năng PCCC rất quan trọng, cần bắt đầu ngay từ việc giáo dục cho các em học sinh và làm định kỳ, thường xuyên, không phải xảy ra cháy nổ mới lo tập huấn" - ĐB Lan nói.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) chỉ rõ nhiều vụ cháy gây chết người liên quan đến thoát nạn. Tuy nhiên, dự luật chỉ quy định một vài quy định nhỏ về thoát nạn cho thấy vẫn còn xem nhẹ thoát nạn trong khi đây là một vấn đề quan trọng. Vì vậy ông Cảnh đề nghị nên có thêm quy định về thoát nạn, thậm chí có chương riêng trong dự luật. Từ đó, quy định liên quan đến nhà trường dạy trẻ em thoát nạn, hướng dẫn người dân ở khu chung cư... thoát nạn.
Bình luận (0)