Ngày 15-4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương liên quan việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án giao thông trọng điểm, nhất là dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 - TP HCM.
Cùng dự hội nghị có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết tỉnh đã kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đường Vành đai 3 - TP HCM tới Chính phủ và các bộ, ngành .
Cụ thể, nút giao Tân Vạn của đường Vành đai 3 - TP HCM là cửa ngõ 3 địa phương (TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai), lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, thường xuyên ùn tắc, nhưng lại bị khống chế về chi phí xây dựng nên chỉ đầu tư giai đoạn 1 đường cao tốc 4 làn xe và 2/5 nhánh cầu. "Việc đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh nút giao gồm 8 làn xe, các nhánh rẽ và dải dừng đỗ khẩn cấp trong giai đoạn 1 là rất cấp bách và cần thiết" - ông Minh đề xuất.
Bình Dương cũng kiến nghị đầu tư xây dựng kéo dài các dải dừng đỗ khẩn cấp (hai bên), với mặt cắt ngang thay đổi từ 19,75 m lên 24,75 m mới đảm bảo được 2 làn dừng khẩn cấp liên tục.
Về cầu Bình Gởi cũng thuộc đường Vành đai 3 - TP HCM, theo thiết kế được duyệt, giai đoạn 1 chỉ đầu tư phần cầu cao tốc 4 làn xe hạn chế, không đầu tư cầu song hành phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, nhu cầu kết nối dân sinh giữa tỉnh Bình Dương với TP HCM tại khu vực này là rất lớn. UBND tỉnh đã có công văn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu phương án đầu tư hoàn chỉnh dự án Vành đai 3 - TP HCM qua địa bàn Bình Dương với chi phí phát sinh dự kiến khoảng 2.465 tỉ đồng.
Đối với đoạn 15,3 km đường Vành đai 3 - TP HCM (đi trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn) không đầu tư giai đoạn này do chi phí quá cao, Chính phủ không sắp xếp được vốn. Theo ông Minh, đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; đồng thời, dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dự kiến hoàn thành trong năm 2027 sẽ đưa lưu lượng xe rất lớn về đoạn 15,3 km này, dẫn đến nguy cơ ách tắc giao thông trên toàn tuyến.
Ông Minh kiến nghị Trung ương đầu tư đoạn 15,3 km này từ nguồn đầu tư công theo quy mô giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh 64 m và đầu tư 4 làn cao tốc trên cao hoàn chỉnh (bao gồm làn dừng khẩn cấp).
Dự án đường Vành đai 4 – TP HCM dự kiến sẽ khởi công trong tháng 7-2024 từ nguồn thu đấu giá đất. Ông Minh cho hay địa phương vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Do đó, Bình Dương kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 - TP HCM như đối với tuyến đường Vành đai 3 - TP HCM; xem xét hỗ trợ địa phương từ 50% kính phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tương ứng với số tiền khoảng 5.000 tỉ đồng để thực hiện dự án từ nguồn vốn kết dư của dự án Vành đai 3 - TP HCM.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trên tinh thần các địa phương tự chủ thống nhất trong phương án đầu tư, nhưng phải ngồi lại thống nhất với nhau để đảm bảo đúng hướng tuyến và đúng với thiết kế theo chủ trương Chính phủ đã thống nhất.
Theo Phó Thủ tướng, đối với một số dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng Đông Nam Bộ, Chính phủ luôn ủng hộ và có chính sách phù hợp; đồng thời sẵn sàng tháo gỡ những khó khăn mà các tỉnh đã và đang đề xuất, nhằm kịp thời gỡ vướng để sớm triển khai đồng bộ các dự án đạt hiệu quả cao nhất.
Về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Dương, đoàn công tác của Chính phủ cùng các bộ, ngành ghi nhận. Qua buổi làm việc này, đoàn công tác đã giải đáp và sẽ tổng hợp khó khăn ở khâu nào, dự án nào để giải quyết từng vụ việc cụ thể trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)