Trong suốt 4 năm, đường dây sản xuất và kinh doanh sữa giả của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group âm thầm len lỏi khắp thị trường mà không hề bị phát hiện.
Gần đây, kẹo giả Kera cũng được những người nổi tiếng rao bán công khai trên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang. Điều đáng nói là cả hai vụ việc đều không hề bị cơ quan chức năng nào ngăn chặn kịp thời. Trách nhiệm thuộc về ai?
Bán, quảng cáo rầm rộ nhưng không phát hiện
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đặt vấn đề vụ việc làm giả sữa bị phát hiện vừa qua là rất nghiêm trọng, các đối tượng lập công ty, đóng thuế, hoạt động và ngang nhiên làm giả sản phẩm. "Tại sao họ ngang nhiên như vậy mà đến giờ mới bị phát hiện?" - ông Đức nói.
Theo ông, cần làm rõ trách nhiệm giữa các bên trong việc quản lý chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm. Trong đó, làm rõ trách nhiệm từ bộ, ngành, địa phương có liên quan, lực lượng quản lý thị trường đến cơ quan thuế, ngân hàng cho doanh nghiệp (DN) vay vốn nếu có…
"Nếu giám sát, kiểm tra ngay cả cơ quan thuế cũng có thể biết cơ sở sản xuất có khuất tất hay không khi đầu vào ít mà giá trị đầu ra thu về nhiều. Hay ngân hàng cho vay vốn đều phải có thông tin về chất lượng sản phẩm có đạt tiêu chuẩn hay không, năng lực sản xuất ra sao…" - ông Đức phân tích.
Đối với các đối tượng làm giả, luật sư Đức kiến nghị nâng hình phạt hình sự đối với tội làm giả thực phẩm lên kịch khung là phạt tù chung thân. Điều này nên được cân nhắc khi Bộ Luật Hình sự đang được sửa đổi.
Cùng với đó, nhà nước cần phải đơn giản các quy định về đền bù để người dân khi mua phải hàng giả, hàng nhái có thể thực hiện các thủ tục khiếu nại một cách đơn giản, cũng như được đền bù gấp nhiều lần.
Một nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII đặt vấn đề pháp luật cho phép DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng cơ quan quản lý không được buông lỏng quản lý, nhất là thực phẩm vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.
"Tại sao vụ việc làm giả sữa diễn ra mấy năm qua nhưng đến nay mới bị cơ quan công an phát hiện, ai đã buông lỏng quản lý? Tôi cũng biết có tình trạng mua bán bao bì như mớ rau, thích nhãn mác, xuất xứ ở đâu đều có?" - bà đặt câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan.

Sữa giả bán ở cửa hàng và trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: LÊ THÚY
Sự lỏng lẻo của các sàn
Ở góc độ người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hàng nhái, giả, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - một trong những thương hiệu phải dành rất nhiều nguồn lực để chống hàng trả, đặc biệt trên không gian mạng - đã chỉ ra những nguyên nhân khiến hàng giả tràn lan nhưng cơ quan chức năng không phát hiện ra hoặc có xử lý nhưng chưa triệt để.
Đó là tình trạng người người, nhà nhà tận dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber, TikTok,… để bán hàng mà không cần phải đăng ký hay khai báo thuế, việc thuê đơn vị vận chuyển cũng dễ dàng khiến cơ quan quản lý rất khó kiểm soát. "Tôi đề xuất cấm kinh doanh, buôn bán khi chưa có đăng ký, bởi đây là lỗ hổng để tiêu thụ hàng gian, hàng giả" - ông Tý nói.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) còn quản lý lỏng lẻo. Họ tập trung vào thu phí các gian hàng hơn là kiểm soát chất lượng hàng hóa, loại bỏ hàng giả, hàng nhái. "Sàn chỉ yêu cầu một số hồ sơ giấy tờ ban đầu, thiếu sự hậu kiểm nên các gian hàng trên mạng có thể dễ dàng treo đầu dê, bán thịt chó" - ông Tý nói.
Cũng theo ông Tý, khi mở gian hàng, sàn cần làm rõ đó là hàng sản xuất hay nhập khẩu, bán trực tiếp hay trung gian để yêu cầu các giấy tờ tương ứng. "Bản thân Nón Sơn cũng phải hậu kiểm các đại lý của mình xem số lượng họ bán ra có tương thích với lượng hàng nhập vào không. Chúng tôi đã từng đề nghị cơ quan chức năng xử lý chính đại lý của mình vì chỉ nhập hàng chính hãng cho có, sau đó "độn" thêm hàng giả để tăng lợi nhuận" - ông Tý nêu thực tế.
Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Vinaxo (Tiền Giang), DN chuyên xuất khẩu trái cây sấy, nhận xét phân khúc trái cây sấy hay đồ ăn vặt trên mạng đang rất loạn.
"Mình dân trong ngành, nhìn qua là biết nhiều người "xạo". Họ thường xuyên quảng cáo trái cây sấy không thêm phụ gia, không đường, không chất bảo quản nhưng nhìn là biết sản phẩm có sử dụng những chất này" - ông Cường nhận xét.
Gần đây, ông Cường thấy nổi lên các video về kiwi sấy, quảng cáo là món ăn lành mạnh, đẹp da nhưng đây là món chua, chắc chắn khi chế biến phải thêm đường, không thể nào đẹp da được.
"Các KOL/KOC (người có ảnh hưởng trên mạng) bán hàng thực phẩm nhưng rất thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm. Nhiều người còn đặt gia công sản phẩm với giá rất thấp rồi bán giá cao để kiếm lời. Như trường hợp của Hằng Du Mục hay Quang Linh Vlogs vừa qua" - ông Cường dẫn chứng.
Tại một sự kiện về trách nhiệm xã hội của KOL/Influencers mới đây, các diễn giả cho rằng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc lan tràn trên các sàn TMĐT và mạng xã hội là do sự kết hợp giữa lòng tham lợi nhuận, sự dễ dãi của người tiêu dùng, sự thiếu trách nhiệm của một số KOL và lỗ hổng trong quản lý.
Luật sư Lê Ngọc Luân, Giám đốc điều hành Công ty Luật Goldkey Law Firm, cho biết nhiều KOL chưa quan tâm đến Luật Quảng cáo 2012 hay các vấn đề pháp lý liên quan. Việc bán hàng giả qua KOL mang lại lợi nhuận cao, trong khi người tiêu dùng còn dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông.
Thêm vào đó là chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, một số KOL thiếu hiểu biết pháp lý hoặc bị hấp dẫn bởi hoa hồng cao nên làm ngơ, không kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm. Thậm chí, có người biết rõ là hàng giả nhưng vẫn quảng bá vì lợi nhuận. Vì vậy, theo luật sư Luân, cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, rõ ràng hơn để quy trách nhiệm cho KOL trong hoạt động quảng cáo, tránh tình trạng tiếp tay cho hàng giả.
Cần giải pháp tổng thể
Chuyên gia TMĐT Trương Võ Tuấn cho rằng cần phân biệt rõ hai loại hàng giả để xác định trách nhiệm. Một là sao chép mẫu mã, thương hiệu nổi tiếng như PediaSure, Vinamilk, NutiFood nhằm trục lợi. Hai là hàng giả về chất lượng, nguyên liệu nhưng mang thương hiệu do DN tự tạo. Với loại thứ hai, phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng mới xác minh được.
Theo ông Tuấn, DN sản xuất là bên chịu trách nhiệm trực tiếp. Dù được phép tự công bố tiêu chuẩn chất lượng và cam kết với thông tin đó nhưng nhiều DN chỉ bảo đảm chất lượng ở lô hàng đầu gửi kiểm định. Sau khi được duyệt, họ thay đổi nguyên liệu, quy trình, gây rủi ro lớn cho người tiêu dùng và khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng rất lớn khi để các vụ việc kéo dài. Do đó, ông đề xuất thay vì chỉ tiền kiểm, cần chuyển sang hậu kiểm để hiệu quả hơn. "Tiền kiểm quá chặt sẽ gây khó khăn cho DN nhỏ, trong khi hậu kiểm và xử phạt nghiêm mới đủ sức răn đe. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng để người tiêu dùng có thể khởi kiện nếu sản phẩm không đúng công bố, tương tự như ở Mỹ. Đồng thời, phải kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào - gốc rễ của quy trình sản xuất" - ông Tuấn nói.
Với các sàn TMĐT nên phối hợp với cơ quan chức năng để cùng "gác cửa", kiểm soát hàng nhái, hàng kém chất lượng, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện gian lận và sản phẩm bất thường từ dữ liệu người dùng.
Ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP), đánh giá hầu hết các sản phẩm giả mạo trên thị trường hiện nay đều liên quan đến hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ và thực trạng này đang diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho chủ thể, nền kinh tế, môi trường đầu tư, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng.
Trước thực tế trên, ông Nhựt cho rằng cần phải có một giải pháp tổng thể, đồng bộ và toàn diện ở cấp độ quốc gia nhằm đẩy lùi vấn nạn này và bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, hiệp hội, DN và người tiêu dùng trong việc hoạch định chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng; triển khai, phối hợp thực thi quyền sở hữu trí tuệ; và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong chuỗi hoạt động bao gồm: sản xuất có trách nhiệm, tiêu dùng thông minh, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm triệt để và truyền thông hiệu quả.
Bộ Công Thương không liên quan?
Chiều tối 14-4, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý. Cùng với đó, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật DN.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của 2 DN này.
Th.Linh
___________
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-4
Bình luận (0)