Ngày 14-3, "Lễ công bố, trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn cho 529 doanh nghiệp" do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức đã diễn ra.
Trong khuôn khổ sự kiện, chuyên gia và chủ doanh nghiệp Việt Nam đang bán hàng sang thị trường nước ngoài đã chia sẻ kinh nghiệm của mình nhằm giúp các doanh nghiệp nội địa có thể tiếp cận và đưa sản phẩm sang thị trường nước ngoài với dân số tỉ dân như Ấn Độ, Trung Quốc.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á, cho biết Ấn Độ là một quốc gia đông dân nhất nhì trên thế giới, được xem là thị trường của nhiều thị trường khi sở hữu đến 1,4 tỉ dân.
Tuy nhiên, để đưa sản phẩm vào thị trường tỉ dân này, bà Vân cho biết rất khắc nghiệt khi phải cạnh tranh với hàng hóa các nước khác như Trung Quốc, Philippines và yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, chính sách, tầng lớp nhu cầu...
Theo bà Phi Vân, các doanh nghiệp Việt trước khi bán hàng sang Ấn Độ cần phải định vị rõ đến thành phố nào, chẳng hạn Mumbai, Delhi... để tạo ra sản phẩm, thương hiệu phù hợp.
"Ở Ấn Độ được phân chia ra tầng lớp rõ ràng, gồm thượng lưu, trung lưu. Điển hình như người thượng lưu không thích sử dụng sản phẩm dành cho tầng lớp trung lưu. Vậy nên, nếu bán đại trà, sản phẩm sẽ khó tiêu thụ, đồng nghĩa là không xuất khẩu được"- bà Vân nói.
Tiếp theo, thị trường Ấn Độ rất quan tâm về giá và đây cũng là yếu tố quan trọng mà các quốc gia khác đang đưa hàng vào thị trường tỉ dân này thực hiện. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng Ấn Độ thích tận dụng tối đa sản phẩm như chai nước sau khi dùng xong họ có thể cắm hoa thay vì họ phải đi mua một bình hoa khác ở chợ, lon sữa khi sử dụng hết họ sẽ dùng đựng thức ăn...
Ngoài ra, nhà bán hàng cần phải tự mình đến chính các thành phố, khu vực muốn bán để cảm nhận được nhịp sống của thị trường, tâm lý, hiểu được văn hóa, khẩu vị và nhiều yếu tố khác của người tiêu dùng Ấn Độ.
"Hãy xem thuế suất đối với mặt hàng của mình sang thị trường Ấn Độ. Khi đàm phán với đối tác nước họ, doanh nghiệp phải hết sức bình tĩnh để không bị đưa vào thế bị động, gặp rủi ro"- bà Vân khuyến nghị.
Để bán hàng sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, CEO của Vinamit chia sẻ doanh nghiệp có thể tìm kiếm các đối tác ở trên các sàn thương mại điện tử như Alibaba, hội chợ triển lãm. Biết cách livestream giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp phải biết tiếng Hoa, khả năng đàm phán tốt, am hiểu thủ tục xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông lưu ý doanh nghiệp phải đánh giá được đối tác, tiềm năng của họ để không gặp rủi ro như lừa đảo tiền, chiếm đoạt thương hiệu...
"Trước khi có ý định xuất khẩu hàng sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải tìm hiểu người tiêu dùng nước họ cần gì, nhu cầu như thế nào, chẳng hạn như trái cây là mít, sầu riêng, thanh long...do người dân bên đó có xu hướng quan tâm đến sức khỏe. Để an toàn, doanh nghiệp cần tìm các đơn vị tư vấn như văn phòng luật sư để bảo vệ thương hiệu trên thị trường"- ông Viên khuyến nghị
Bình luận (0)