Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 tăng 5,66%, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm từ 2020 - 2023.
Xuất khẩu tăng mạnh
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, nói tăng trưởng 5,66% là mức tích cực, phù hợp với diễn biến kinh tế 3 tháng đầu năm. "Tuy mức tăng GDP chưa bằng cùng kỳ giai đoạn 2018 - 2019 nhưng đây là sự nỗ lực lớn. Điều này đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều bất ổn, suy thoái từ các nền kinh tế lớn" - bà Hạnh nói.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,8%; công nghiệp và xây dựng là 35,7%; còn dịch vụ 43,5%. Theo kịch bản của Nghị quyết 01 của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6% - 6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% (kịch bản thấp) và 5,6% (kịch bản cao). Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).
Cơ quan thống kê nhấn mạnh trong quý I, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, nhộn nhịp ngay từ những tháng đầu năm. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 178 tỉ USD trong 3 tháng qua. Mức này tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 17% (đạt 93,06 tỉ USD), nhập khẩu gần 14%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỉ USD.
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành đánh giá kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong những tháng đầu năm, minh chứng từ tăng trưởng GDP, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu đã tăng rõ rệt, với 17%.
Theo ông Thành, nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã xuống rất thấp, cùng với thị trường tài chính, tiền tệ ở nhiều quốc gia đã tốt lên, là cơ sở quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại. "Nông nghiệp ổn định, khi 3 tháng qua khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%. Cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng dần quay trở lại làm động lực cho nền kinh tế" - ông Thành nhấn mạnh.
Nói về điểm sáng xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết tình hình phục hồi sản xuất khá tốt đã góp phần vào sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu.
Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái. Để tiếp tục đà xuất khẩu, theo ông Hải, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó sẽ mở rộng đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA đã ký kết và đi vào thực thi. Đồng thời đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại; giúp doanh nghiệp (DN) khơi thông xuất khẩu hàng hóa; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.
Trong quý I/2024, cả nước có hơn 36.200 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 332.200 tỉ đồng. Số quay lại hoạt động là 23.600, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ. Như vậy, mỗi tháng có gần 20.000 DN thành lập mới, quay lại hoạt động. Tuy nhiên, DN đóng cửa, giải thể vẫn tăng, bình quân một tháng có gần 24.700 DN rút lui khỏi thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành chế biến, chế tạo cho thấy trên 22% nói tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn so với quý cuối năm 2023. Gần 43% đơn vị kinh doanh nhìn nhận ổn định, còn lại đánh giá khó khăn.
Còn nhiều thách thức
Trong 3 tháng đầu năm, kết quả thu hút vốn FDI cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam, đạt hơn 6,17 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Bà Nguyễn Thị Hương cho biết trong tổng vốn FDI đăng ký quý I/2024 thì vốn đăng ký cấp mới chiếm 77,3%, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 57,9%. "Số liệu này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam" - bà Hương nhấn mạnh.
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6% - 6,5%. Vụ trưởng Nguyễn Thị Mai Hạnh nhìn nhận mặc dù kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực nhưng trong nước vẫn hiện hữu nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng những rủi ro từ bên ngoài sẽ tác động đến tình hình trong nước thời gian tới như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Cùng với đó, DN còn nhiều khó khăn về pháp lý, nghĩa vụ tài chính và chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi còn chậm.
"Rủi ro thị trường trái phiếu DN và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa. Thể chế cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn... còn chậm ban hành" - ông Lực đánh giá.
Để khắc phục các khó khăn này, ông Lực khuyến nghị DN cần cơ cấu lại hoạt động kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỉ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí. Đặc biệt, cần đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng…
Theo bà Nguyễn Thị Hương, cần nhanh chóng khơi thông dòng vốn cho DN, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển bền vững. Bên cạnh đó, bảo đảm cung ứng điện tiêu dùng và sản xuất, đặc biệt trong những tháng cao điểm của quý II và III, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia.
"Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Đồng thời, phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân để kích cầu tiêu dùng" - bà Hương đề nghị.
2 kịch bản tăng trưởng năm 2024
Tổng cục Thống kê đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Kịch bản 1, năm 2024 tăng 6%. Theo đó, quý I tăng 5,66%; quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%. Kịch bản 2, năm 2024 tăng 6,5%. Theo đó, quý I tăng khoảng 5,66%; quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TTC):
Kỳ vọng đà phục hồi mạnh hơn
Đến nay, đa số DN dệt may có đơn hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ các đơn hàng không nhiều do giá cả hàng dệt may xuất khẩu đang rất cạnh tranh. Đặc biệt, những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ bị siết mạnh về giá cả. Đa số DN buộc phải chấp nhận đơn giá thấp để duy trì hoạt động DN. Một số DN, trong đó có TTC, đang có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 và đang đẩy mạnh khai thác các thị trường truyền thống, tập trung tham gia vào thị trường 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương để tận dụng các ưu đãi thuế. Nếu căn cứ vào diễn biến phục hồi kinh tế tại một số thị trường chính và đặc biệt là ở thị trường Mỹ, khả năng tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất thì xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng
Khách quốc tế đến TP HCM trong quý I/2024 ước đạt hơn 1,38 triệu lượt, tăng 32,4% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa hơn 8 triệu lượt, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch trong 3 tháng đầu năm nay của TP HCM ước đạt 44.710 tỉ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái. TP HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về việc tổ chức các chuỗi sự kiện để quảng bá xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch, cũng như thu hút khách đến với thành phố. Ngành du lịch thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh các sản phẩm du lịch trọng điểm để thu hút thêm nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food):
Đã có đơn hàng cho gần cả năm
Trong quý I, sự hồi phục trong mảng chế biến thực phẩm thấy rõ khi sức mua tăng cả thị trường trong và ngoài nước cao hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 10%. Dự kiến sản lượng cả năm 2024 sẽ tăng 20% so với năm ngoái. GC Food đã có đơn hàng sản xuất cho cả năm nay. Hiện tại, các điều kiện về vĩ mô, cơ chế, chính sách tương đối tốt cho hoạt động của DN. Đặc biệt, vốn vay ngắn hạn hiện nay chỉ còn 4,5% - 6,5%/năm, rất tốt cho DN vay phục vụ sản xuất - kinh doanh. Dù vậy, năm nay DN gặp thách thức về việc chi phí đầu vào tăng do lộ trình tăng lương, chi phí nguyên vật liệu tăng trong khi giá bán thành phẩm đã được ký cố định khiến biên độ lợi nhuận bị thu hẹp.
T.Nhân - T.Phương - N.Ánh ghi
Lạc quan thận trọng về kinh tế Việt Nam
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể đạt 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025.
Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" công bố tháng 1-2024, WB đã điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2024 xuống 0,7 điểm % và 0,5 điểm % vào năm 2025 so với báo cáo hồi tháng 6-2023. Tỉ lệ tăng trưởng mới nhất của Việt Nam trong năm 2024 thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo WB, sự tăng trưởng chậm lại của ngành sản xuất tại Trung Quốc sẽ kìm hãm hoạt động thương mại gia công khu vực, đặc biệt là ở các nền kinh tế có các ngành xuất khẩu tích hợp quy mô lớn như Malaysia và Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước, hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch phục hồi. Các chuyên gia của ADB chỉ ra rằng sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu từ bên ngoài tiếp tục cản trở sản lượng công nghiệp và dịch vụ, từ đó kéo theo sự phục hồi việc làm và tiêu dùng trong nước. Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, cùng với việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục, đều góp phần kiềm chế lạm phát.
X.Mai
Bình luận (0)