Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Chính phủ ban hành mới đây với nhiều trọng tâm thể hiện ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị quyết 01 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%.
Hàng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 01 để nêu rõ các trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương. Nghị quyết của Chính phủ đã nhấn mạnh đến 6 trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong năm 2024 để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Trong đó, Nghị quyết 01 với nhiều nhóm giải pháp hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Có thể thấy nhiều trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2024 của Chính phủ hướng đến môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các rào cản để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, bứt phá, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết 01 được Bộ KH-ĐT tham mưu, xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành từ rất sớm để các bộ ngành, địa phương chủ động triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các bộ ngành, địa phương cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2024 trên tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh tại Nghị quyết 01 đã giao rõ nhiệm vụ tổ chức thực hiện cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Theo đó, trước ngày 20-1, các cơ quan cần xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể của bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết này. "Bộ KH-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết này"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), cho biết năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Theo ông Việt, Nghị quyết 01 đã nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Điều quan trọng nhất là các bộ ngành, địa phương cần bắt tay vào việc ngay từ đầu năm với kế hoạch, chương trình hành động rõ ràng. Mỗi đầu việc, mỗi nhiệm vụ cần có địa chỉ trách nhiệm cụ thể để kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hoàn thành.
Vị chuyên gia cho rằng việc triển khai nhanh chóng và đưa ra các kế hoạch hành động cho năm 2024 đóng vai trò rất quan trọng. Muốn thực hiện tốt điều này, người đứng đầu các cơ quan đơn vị cần quyết liệt ngay từ đầu năm, tận dụng từng ngày để triển khai các nhiệm vụ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng các bộ ngành cần khẩn trương rà soát, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt rõ đâu là điểm nghẽn, từ đó tháo gỡ mang lại hiệu quả thiết thực. Ông lưu ý cần nhìn thẳng vào các vấn đề tồn đọng để giải quyết, như vậy mới thực sự tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Bộ KH-ĐT với vai trò chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết, cần bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã giao cho từng bộ ngành để từ đó có đánh giá, báo cáo Chính phủ sát nhất.
Ông Doanh nhấn mạnh thực thi vẫn luôn là khâu yếu và năm 2024 cần khắc phục điều này để thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế - xã hội. Vị chuyên gia cũng lưu ý cơ chế, chính sách cần hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý, cơ sở cho các cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng "sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy" như hiện nay.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đánh giá cao khi nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông Doanh, nếu triển khai có hiệu quả, Nghị quyết 01 sẽ là động lực, là "chìa khoá" quan trọng mở ra những cánh cửa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao việc ban hành Nghị quyết 01 và tin tưởng những động thái và chủ trương từ Chính phủ sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực hơn cho toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong năm 2024.
Đặc biệt, khi các dự án đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy, nhiều công trình, dự án nhà ở xã hội sớm được triển khai, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn.
Bộ Công Thương cho biết cơ quan này cũng đã ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ. Chương trình cũng nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành công thương năm 2024.
Tại chương trình, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững. Đảm bảo ổn định các cân đối lớn của ngành. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính và đổi mới doanh nghiệp, cơ cấu lại một cách hiệu quả, thực chất công tác đầu tư công.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Để đảm bảo các chương trình được triển khai hiệu quả, đạt mục tiêu, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ.
Bình luận (0)