Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại tất cả 583 doanh nghiệp (DN) trên cả nước do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Số liệu được tập hợp đến cuối năm 2016.
Lợi nhuận giảm 14%
Bộ Tài chính cho biết tổng tài sản của các DN nhà nước đạt hơn 3 triệu tỉ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015; vốn chủ sở hữu đạt hơn 1,39 triệu tỉ đồng, tăng 4,3%. Năm 2016, tổng doanh thu của khối DN nhà nước đạt 1,5 triệu tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 139.000 tỉ đồng. So với mức thực hiện năm 2015, doanh thu của các DN nhà nước giảm 1% nhưng lợi nhuận giảm tới 14%. Nguyên nhân do doanh thu, lợi nhuận của các "quả đấm thép" (7 tập đoàn kinh tế) giảm mạnh; trong khi xét về quy mô, khối này chiếm tới 62% về doanh thu và chiếm 56% về lợi nhuận của DN cả nước.
Riêng lợi nhuận của 7 tập đoàn kinh tế giảm tới 25%. Trong khi đó, khối DN nhà nước làm ăn hiệu quả gồm các tổng công ty, công ty mẹ - con và các DN độc lập đều có lợi nhuận tăng từ 4,1%-21% so với năm trước.
Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc PVN - một trong những dự án ngàn tỉ thua lỗ Ảnh: HOÀI DƯƠNG
"Điểm mặt" đơn vị sụt giảm lợi nhuận, Bộ Tài chính cho biết Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giảm 38% lợi nhuận, chủ yếu do giá dầu thô giảm. Đặc biệt, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang từ bảng cân đối tài chính lãi hơn 2.000 tỉ đồng năm 2015 đã quay đầu giảm về mức âm 335,078 tỉ đồng. Nguyên nhân là do phải gánh 4 trong tổng số 12 đại dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương mà Chính phủ đã phải ban hành cơ chế xử lý đặc biệt. Đó là các dự án Đạm Ninh Bình, phân đạm hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem.
Bộ Tài chính đánh giá hầu hết DN nhà nước vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Các DN nhà nước cũng đóng góp nguồn thu cho ngân sách dù chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách có sự sụt giảm so với năm 2015.
Nhà nước phải trả nợ thay
Báo cáo cụ thể về tình hình tài chính của các DN nhà nước, Bộ Tài chính nhìn nhận dù theo quy định, DN huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn còn 18 tập đoàn, tổng công ty trong 91 DN có mức huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu). Tuy nhiên, tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của các tập đoàn, tổng công ty đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty bình quân còn 0,75 lần.
Tổng số nợ phải trả của các DN nhà nước là hơn 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,22 lần (18 tập đoàn, tổng công ty và 20 công ty mẹ có tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần). Trong đó, có 3 tập đoàn nợ trên 100.000 tỉ đồng là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ gần 487.000 tỉ đồng, PVN nợ hơn 338.000 tỉ đồng và Tập đoàn Than - Khoáng sản nợ hơn 100.000 tỉ đồng.
Bê bết nhất là tình trạng của Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Trong đó, một số công ty con như Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn là 504,493 tỉ đồng. Vinapaco đã có văn bản xin gia hạn nợ vay đến ngày 1-1-2018 và trình cấp có thẩm quyền về cơ chế vay đối với phương án chuyển đổi 25 năm của dự án nhưng chưa được phê duyệt. Riêng dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam, Bộ Tài chính đã phải ứng ra từ quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ thay cho Vinapaco 1.610 tỉ đồng để không ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Hiện nay, nhà nước đầu tư vốn vào DN thông qua 4 hình thức: đầu tư vốn để thành lập mới DN nhà nước; bổ sung vốn điều lệ cho các DN nhà nước đang hoạt động; đầu tư để duy trì tỉ lệ nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên; đầu tư để mua lại một phần hoặc toàn bộ DN. Năm 2016 có 19 bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho 94 DN nhà nước đang hoạt động. Chủ yếu là DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, DN xổ số với tổng mức đầu tư 6.215 tỉ đồng. Số vốn còn phải đầu tư là 9.363 tỉ đồng.
Nguồn đầu tư chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển, ngân sách nhà nước (thông qua thanh - quyết toán các dự án giao cho DN thực hiện), quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN…
Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính):
Tránh tăng vốn bằng lợi nhuận để lại
Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Theo đó, người đại diện vốn nhà nước tại DN có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước phải báo cáo xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu. Quy định này cũng được áp dụng tương tự quy định đối với người đại diện vốn nhà nước tại DN là ngân hàng thương mại cổ phần và thực tế điều hành thời gian qua. Cụ thể là trường hợp ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức để tăng vốn nhưng Bộ Tài chính lại muốn thu cổ tức về. Quy định này sẽ tránh trường hợp một số DN muốn tăng vốn bằng lợi nhuận để lại nhưng ở góc độ nhà nước lại đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ tăng quy mô vốn sở hữu tại DN đó. Thậm chí, với một số trường hợp còn phải thoái vốn chứ không phải là tăng quy mô vốn sở hữu.
Trong nửa đầu năm 2017, mới có 19 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, chậm so với tiến độ năm 2016. Gần đây, nhiều DN ngại cổ phần hóa và thoái vốn hoặc thực hiện không quyết liệt vì sợ trách nhiệm. Quy mô DN càng lớn, khi bóc tách ra sẽ càng đụng tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại. Điều này khiến người đứng đầu các DN có tâm lý né trách nhiệm.
Chuyên gia kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH:
Sớm tách bạch quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn
Báo cáo của Bộ Tài chính cần phải được đưa ra thảo luận và có ý kiến của các chuyên gia độc lập để làm rõ hơn các vấn đề của DN nhà nước. Tình hình hoạt động của DN nhà nước như vậy là đáng lo ngại. DN nhà nước nắm giữ khối tài sản khổng lồ như thế, bao nhiêu tiền của đổ vào nhưng đóng góp thế nào cho đất nước hay lại "đóng góp" rất nhiều vào nợ công? Cần giao các hiệp hội thảo luận để có ý kiến về vấn đề này.
Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước, tôi cho rằng có 2 vấn đề rất quan trọng phải thực hiện ngay và đúng tiến độ là tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan nào trình dự thảo hoàn chỉnh về nội dung này, như thế là chậm thực hiện Nghị quyết của trung ương. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp. Bên cạnh đó, cần công khai hoạt động của DN nhà nước, cổ phần hóa với tốc độ nhanh nhất để HĐQT có quyền quyết định lựa chọn tổng giám đốc điều hành. Vị trí tổng giám đốc điều hành chỉ là người làm thuê.
Bà PHẠM THỊ THU HẰNG, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Chuyển nguồn lực cho khu vực tư nhân
Theo quy luật phát triển, DN muốn lớn mạnh thì thể chế thị trường phải phát triển để có các thị trường nhân tố sản xuất cũng như bảo đảm minh bạch trong tiếp cận, tích tụ nguồn lực và cạnh tranh sòng phẳng để cải thiện chất lượng phát triển. Tái cấu trúc khu vực DN nhà nước sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các DN ngoài nhà nước trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh bình đẳng với khu vực DN nhà nước như yếu tố vốn, đất đai hay công nghệ. Đây chính là những điểm thường được xem là bế tắc của những DN ngoài nhà nước. Nguồn lực nhà nước có bao nhiêu ưu tiên hết cho DN nhà nước rồi thì còn đâu cho khu vực khác, dễ thấy nhất là trong tiếp cận đất đai.
DN muốn lớn mạnh phải đặt trong môi trường cạnh tranh sòng phẳng, trước hết là cạnh tranh nguồn lực, song nguồn lực quốc gia lại được phân bổ chưa phù hợp.
Bình luận (0)