Ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Sáng 16-12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) làm đầu mối và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty CP cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Việc tài trợ hợp vốn của các ngân hàng nhằm hiện thực hóa nguồn vốn tín dụng trong cơ cấu nguồn vốn của tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có những thay đổi căn bản: Chuyển cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Tiền Giang, loại bỏ các cổ đông yếu kém, tổng vốn đầu tư tăng lên mức 12.668 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác cam kết đạt tối thiểu 3.400 tỉ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành…
Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỉ đồng, trong đó: VietinBank là 3.300 tỉ đồng, BIDV là 1.500 tỉ đồng, AgriBank là 1.000 tỉ đồng và VPBank là 886 tỉ đồng.
Đến nay, 45 km nền đất yếu thuộc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), cho biết Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công từ năm 2009 nhưng vì gặp phải những khó khăn vướng mắc không thể tháo gỡ nên bị đình trệ gần 10 năm nay. Được sự quan tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và tỉnh Tiền Giang, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được tái khởi động trở lại từ tháng 4-2019.
"Sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, sự vào cuộc của các ngân hàng hợp vốn cho vay tích cực, chúng tôi đã cùng nhau đàm phán điều chỉnh ký kết lại Hợp đồng tín dụng hôm nay là thể hiện sự lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với nhân dân, thực hiện trách nhiệm xã hội khi các quan ngại về các dự án hạ tầng giao thông vẫn còn đấy, chưa được giải quyết"- ông Hoàng nói.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, các nhà đầu tư đã tiếp tục rót vốn, các nhà thầu nỗ lực thi công kể cả khi chưa có vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, chưa thu xếp xong tín dụng. Nay với các điều kiện tốt hơn nhưng Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ không chủ quan, đồng thời tiếp tục phối hợp với các ngân hàng cấp tín dụng, Ban điều hành chỉ đạo Ban QLDA, các nhà thầu, tư vấn… để chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ nhằm phấn đấu giải ngân vốn tín dụng trong tháng 1-2019.
Rà soát, đánh giá tiến độ chi tiết các gói thầu, các cam kết huy động nhân lực, thiết bị máy móc để thi công dự án, đảm bảo mốc thông tuyến cuối năm 2020 và tiến đến hoàn thành trong năm 2021.
"Hội đồng quản trị sẽ cùng với Ban điều hành tiếp tục quan tâm động viên cán bộ nhân viên trên công trường tổ chức thi công 3 ca/ngày đêm, không kể ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, tổ chức thi đua khen thưởng cho cán bộ - nhân viên theo các mốc tiến độ dự án để tạo động lực"- ông Hoàng thông tin.
Bên cạnh đó, sẽ luân chuyển những nhân sự có kinh nghiệm ở Dự án Bắc Giang – Lạng Sơn từ cấp Hội đồng quản trị đến Ban điều hành (Tổng giám đốc) tăng cường công tác thi công hiện trường dự án, kiểm soát tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.
Ban điều hành chỉ đạo Ban QLDA, các đơn vị tư vấn, nhà thầu nghiêm túc trong việc triển khai dự án, không để tiêu cực, thất thoát xảy ra làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
"Các hệ thống camera giám sát, quản lý chất lượng bằng hình ảnh sẽ được lắp đặt trên toàn tuyến để các thông tin về dự án tiếp tục công khai cho người dân cùng giám sát, các nhà đầu tư, các ngân hàng yên tâm hơn khi đầu tư vào dự án".
Ngoài ra, việc thiết lập lại trật tự của tư vấn giám sát tránh thông đồng, bắt tay với nhau cần chấm dứt. Ban điều hành dự án sẽ chỉ đạo tư vấn luân chuyển nhân sự tư vấn giám sát giữa các gói thầu với nhau để hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, mặc dù thời gian hoàn thành dự án rất gấp gáp nhưng không vì bệnh thành tích mà cần yêu cầu chất lượng dự án để khi đưa vào sử dụng xứng đáng với vốn của nhà đầu tư đã góp, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ và vốn tín dụng của các ngân hàng đã bỏ ra cho dự án là đúng đắn và hiệu quả.
"Nhằm quyết tâm đạt được mục tiêu thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành dự án trong năm 2021, trên tinh thần không lùi bước, hợp tác thúc đẩy tiến độ, kiểm soát tích cực, chủ động phối hợp, thấu hiểu, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và đáp ứng kỳ vọng người dân miền Tây, chúng tôi tin rằng Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ về đích đúng hẹn, góp phần phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long"- ông Hồ Minh Hoàng bày tỏ.
Bình luận (0)