Đây là ý kiến được các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo các KCX-KCN trên địa bàn TP HCM chia sẻ tại tọa đàm "Tái cấu trúc các KCX-KCN TP hiệu quả - hướng tới đổi mới sáng tạo", tổ chức ngày 4-10.
Ông Đào Xuân Đức, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP (HEPZA), nhận xét đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả đầu tư mô hình này chưa cao về cơ cấu đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Trong khi diện tích đất dành cho doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, chi phí sử dụng đất cao.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc HEPZA và Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH) cho thấy nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của TP và các KCX-KCN đã giảm bớt so với địa phương lân cận, do giá thuê đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện giá thuê đất ở các KCX-KCN của TP bình quân 125 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm, trong khi con số này ở Đồng Nai chỉ 74 USD, Bình Dương 43,7 USD hay Long An 76 USD...
"Do lợi thế vị trí truyền thống sẵn có nên dù chi phí sản xuất cao nhưng tỉ lệ lấp đầy của các KCX-KCN tại TP luôn cao hơn địa phương lân cận (theo số liệu tính toán của Ban Quản lý KCN các tỉnh). Tuy vậy, những yếu tố khác đang trở thành bất lợi cho TP như bị quá tải về cơ sở hạ tầng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp chậm lại và có xu hướng giảm" - nhóm nghiên cứu của HEPZA và UEH phân tích.
Một góc nhà xưởng tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Nhìn nhận thực tế nhiều DN đang đổ về tỉnh đầu tư nhà máy, ông Trần Quang Trường, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình - Tanimex (chủ đầu tư KCN Tân Bình), cho biết bản thân DN ông cũng có 3 dự án ở tỉnh lân cận. DN ông quyết định đầu tư nhà máy ở KCN các tỉnh như Long An bởi cơ chế thu hút đầu tư tốt, thủ tục hành chính nhanh gọn, được địa phương hỗ trợ nhiệt tình...
"Tôi từng tới KCN Hiệp Phước khảo sát để tính thuê đất mở nhà máy, giá thuê đất không cao nhưng vướng mắc là nhà nước yêu cầu 5 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần điều chỉnh rất cao ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của DN. Chưa kể, DN có thể chấp nhận giá thuê đất KCN ở TP cao hơn các địa phương khác vì vị trí nhưng những "điểm trừ" là cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, ngập nước, kẹt xe, thủ tục hành chính chưa cải thiện nhiều làm nản lòng DN" - ông Trần Quang Trường thẳng thắn.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh, đòi hỏi phải quy hoạch KCN mới, xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút dự án lớn theo định hướng của TP, dự án công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.
"Phải chuyển đổi các KCX-KCN hiện hữu theo hướng hiệu quả hơn như KCN hỗ trợ, KCN sinh thái hoặc KCN kết hợp đô thị - dịch vụ. Muốn vậy, cần đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho quá trình này" - ông Đào Xuân Đức nói.
Dưới góc độ "người trong cuộc", ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc KCN Hiệp Phước, cho rằng muốn thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, các KCX-KCN của TP phải hấp dẫn hơn, cần cơ chế chính sách theo hướng cả TP và DN cùng có lợi trên cơ sở chia sẻ lợi ích vì sự phát triển chung. "Muốn tạo nên sự đột phá để duy trì vị trí, lợi thế cạnh tranh, TP cần mạnh dạn đề xuất giải pháp" - ông Giang Ngọc Phương đề xuất.
Bình luận (0)