Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, đạt quy mô thị trường 11,8 tỉ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Chủ sàn và người bán thắng lớn
Anh Nguyễn Chánh Trung, chủ gian hàng mỹ phẩm Lagivado trên sàn thương mại điện tử Lazada, bất ngờ "rẽ" sang lĩnh vực bán lẻ sau gần 5 năm hoạt động trong ngành xây dựng. Với quyết định táo bạo ngay vào những ngày đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, sau một năm, anh gặt hái thành công ngoài mong đợi.
"Những ngày đầu, tôi chưa biết thương mại điện tử là gì nên hầu như tự mày mò tìm hiểu và thử nghiệm những ý tưởng mới. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham gia các lớp đào tạo của Lazada để biết cách tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cách chăm sóc bán hàng và cách tận dụng kỹ thuật, công nghệ được Lazada tích hợp vào nền tảng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình" - anh Trung chia sẻ cách bán hàng trên sàn.
Anh Nguyễn Chánh Trung không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư studio để livestream bán hàng online
Trước khi đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, công ty của anh chủ yếu bán hàng offline và giới thiệu sản phẩm trên website. Dịch bệnh Covid-19 khiến toàn bộ hoạt động bị ngừng trệ. Cùng với việc nhìn ra tiềm năng của bán hàng online, anh mạnh dạn mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử. "Nhờ bán hàng online mà tôi đã tối ưu hóa được chi phí dành cho bộ máy nhân sự, mặt bằng. Hiệu quả lớn hơn tôi nghĩ ban đầu. Sau một năm kinh doanh online, nhân sự công ty giảm từ hơn 20 người xuống còn 10 người, doanh thu tăng khoảng 10%" - anh Trung phấn khởi cho biết.
Mua hàng qua mạng ngày càng trở thành xu hướng phổ biến - Ảnh: Hoàng Triều
Sở hữu một gian hàng bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe, khẩu trang, nước sát khuẩn… trên sàn thương mại điện tử Shopee, chị N.A cũng bất ngờ khi doanh số tăng "vù vù" trong năm 2020, nhất là những đợt dịch bệnh bùng phát. "Khẩu trang giấy cháy hàng, tôi chuyển sang bán khẩu trang vải tiêu thụ cũng rất tốt. Ngay cả những thời điểm dịch bệnh đã "êm", vẫn có khách mua khẩu trang các loại đều đặn. Thực phẩm chức năng, các loại vitamin thuộc nhóm không cần kê đơn cũng khá đắt khách" - chị N.A kể.
Năm 2020 là năm hốt bạc của các sàn thương mại điện tử. Lazada ghi nhận số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên sàn tăng gần 2 lần, số lượng khách hàng thường xuyên tương tác với LazGame mỗi ngày tăng hơn 2,5 lần. Riêng LazMall - hệ thống gian hàng chính hãng của Lazada - ghi nhận mức tăng trưởng về số lượng đơn hàng và khách hàng đến hơn 3 lần trong các lễ hội mua sắm và hơn 2 lần trong các ngày thường…
Kho hàng của một sàn thương mại điện tử
Sàn thương mại điện tử Tiki cho biết trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19 vào tháng 3 và 4-2020, nhu cầu mua sắm trên Tiki tăng 15% so với 2 tháng cao điểm cuối năm 2019. Có những thời điểm, Tiki ghi nhận có đến 4.000 đơn hàng/phút. Sau giai đoạn đỉnh dịch, sàn ghi nhận có đến 50% người dùng trên Tiki là khách hàng mới và lần đầu mua sắm online. "Điều này một lần nữa cho thấy tốc độ xâm nhập của mua sắm online, đặc biệt trên nền tảng thương mại điện tử, đã được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn dịch bệnh. Đây là một tia sáng tích cực trong bức tranh tưởng chừng ảm đạm của kinh tế toàn cầu" - đại diện Tiki nói.
Không gian tăng trưởng rộng lớn
Không chỉ kinh doanh online nội địa, hàng hóa của doanh nghiệp Việt bắt đầu được tiêu thụ, xuất khẩu online qua những nền tảng bán hàng toàn cầu như Amazon, Alibaba… Không chỉ các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa mà ngay cả những thương hiệu lớn, có tiếng như cà phê Trung Nguyên, giày Biti's… cũng đưa sản phẩm ra thế giới thông qua các nền tảng này.
Đại diện Amazon Global Selling cho biết nền tảng này sở hữu 300 triệu khách hàng trên toàn thế giới, trong đó có 100 triệu khách hàng thường xuyên mua hàng. Tận dụng thị trường tiềm năng này, người bán hàng Việt Nam đã đạt doanh số vượt mốc 1 triệu USD trong năm 2020 trên Amazon, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Cú lội ngược dòng của thương mại điện tử đóng góp vào kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 đầy biến động bởi dịch bệnh và các yếu tố bất ổn khác. Nó cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực này trong tương lai khi dịch Covid-19 trở thành chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, nhìn nhận dịch bệnh Covid-19 là cú hích đáng kể với thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay đã bán trực tuyến, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã mua hàng trực tuyến. Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh này đã thúc đẩy chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn. "Cùng đó, Quyết định 645 của Chính phủ với kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu cụ thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử hơn nữa" - ông Hải nói thêm.
Tính toán của các tập đoàn lớn thế giới về công nghệ, tài chính, tư vấn trên thế giới như Google, Temasek và Bain&Company… cho thấy với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%/năm trong giai đoạn 2020-2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 52 tỉ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhận định thương mại điện tử được kỳ vọng phát triển mạnh bất kể đại dịch Covid-19 có xảy ra hay không. Tuy nhiên, dịch Covid-19 là chất xúc tác đáng kể. "Trong dịch, có những mặt hàng tiêu thụ qua thương mại điện tử tăng 300%. Trước đây, có thể mua bán qua kênh thương mại điện tử chỉ mang tính tạm thời nhưng giờ đây khi dịch Covid-19 kéo dài, nó đã trở thành thói quen, từ đó tạo đà cho tăng trưởng của ngành trong năm 2021 và những năm tiếp theo" - ông Thắng dự đoán.
Đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, trong năm 2021, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-CP ngày 15-5-2020.
Bộ cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử để hoàn thiện hơn khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực này.
Bình luận (0)